Bất động sản miền Bắc: Đón sóng chuyển dịch đầu tư

22.01.2021 - Năm 2021, thị trường bất động sản (BĐS) các tỉnh miền Bắc được đánh giá sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trước bối cảnh biến động giá bán nhà ở khu vực miền Nam tăng nhanh.

Bên cạnh đó, miền Bắc là khu vực công nghiệp mới, dư địa còn nhiều cũng được xem là điểm cộng để BĐS khu công nghiệp đón sóng chuyển dịch đầu tư của DN nước ngoài.

 

Thị trường nhiều triển vọng

 

Quyền Chánh Văn phòng Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Quỳnh cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng Covid-19 và những yếu tố khác làm giảm nhịp hoạt động của thị trường BĐS tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, một số tỉnh miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh... vẫn duy trì hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư. Thị trường BĐS thuộc các tỉnh, TP khu vực miền Bắc được phân loại thành 3 nhóm chính, gồm: Nhóm được đánh giá tích cực sôi động, thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, như: Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; nhóm địa phương phát triển chưa đồng đều, có hiện tượng chậm lại: Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định…; những địa phương khác, thị trường phát triển chưa mạnh.

Bất động sản công nghiệp một số tỉnh miền Bắc dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021.

“Quảng Ninh vẫn là một trong những địa bàn có sức hút lớn nhất tại khu vực miền Bắc. Một số dự án lớn tại Vân Đồn, Hạ Long... tỷ lệ hấp thụ sản phẩm trong năm 2020 đạt từ 70 – 75% .Việc công bố quy hoạch khu kinh tế Vân Đồn đã làm khởi sắc thị trường BĐS của tỉnh này vào giai đoạn cuối năm 2020 và mở ra nhiều triển vọng đầu tư, tăng giá vào năm 2021” – ông Nguyễn Mạnh Quỳnh cho hay.

 

Cùng với Quảng Ninh, một số tỉnh, TP khác như Bắc Giang, Vĩnh Phúc có thế mạnh về BĐS công nghiệp, mặc dù năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn duy trì phát triển mạnh; giá đất nền ở mức trung bình nên tiếp tục hút lực cầu đầu tư tốt. Vùng Việt Yên (Bắc Giang) được đánh giá là địa bàn có hoạt động giao dịch sôi động nhất khoảng 1.500 sản phẩm đã giao dịch thành công trong năm 2020. Trong khi đó, TP Hải Phòng cũng được chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá cao về cơ hội tăng trưởng trong năm 2021. Sau khi đường cao tốc 5B Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh được thông tuyến nên nhiều DN, nhà đầu tư trong nước, quốc tế đẩy mạnh đầu tư vào TP Hải Phòng, một số khu vực thị trường BĐS được ghi nhận bứt tốc nhanh trong thời gian gần đây như quận Lê Chân, An Dương, huyện Thủy Nguyên...

 

Bất động sản công nghiệp thu hút đầu tư

 

Số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng, trong năm 2020, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp một số tỉnh, TP công nghiệp chính tại miền Bắc bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... duy trì ở mức tích cực 78%. Trong đó, các khu công nghiệp Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%. Giá thuê đất trong một số khu công ngiệp ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương tăng từ 20 - 30% so với năm trước. Nhưng mức bình quân chung về tỷ lệ lấp đầy vẫn thấp hơn nhiều so với những tỉnh, TP công nghiệp trọng điểm miền Nam (tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp trọng điểm miền Nam đạt khoảng 84,5%).

 

Nhiều chuyên gia cho biết, năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi hầu hết các phân khúc BĐS đều chịu ảnh hưởng nhưng BĐS công nghiệp đã trở thành điểm sáng của thị trường trước làn sóng chuyển dịch đầu tư của những DN nước ngoài đến Việt Nam. Với lợi thế dư địa còn nhiều, nên năm 2021 BĐS công nghiệp vẫn được xem là lợi thế thu hút đầu tư của một số tỉnh miền Bắc.

Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc đã khiến cho nhu cầu dịch chuyển địa bàn sản xuất của những tập đoàn công nghiệp lớn vào Việt Nam diễn ra mạnh mẽ hơn, các tỉnh miền Bắc được xem là tỉnh công nghiệp mới sẽ có lợi thế. Ngoài ra, sau một thời gian dài khai thác thị trường miền Nam, những nhà phát triển BĐS và nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm thị trường mới ở miền Bắc, đây cũng là lợi thế không nhỏ.

Nguồn: kinhtedothi.vn