BSC hạ dự báo tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng

20.09.2021 - Lo ngại nhu cầu vay bị ảnh hưởng nặng vì dịch, Công ty chứng khoán BIDV hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 xuống 13%.

Công ty chứng khoán BIDV (BSC) vừa có báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng. Trong đó, nhóm phân tích cho rằng, dịch bệnh lần thứ tư với quy mô rộng có thể làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa cuối năm, đặc biệt trong quý III. "Chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống khoảng 13% trong năm 2021, giảm 1% so với báo cáo gần nhất", BSC cho biết.

Tuy nhiên, do tăng trưởng cao trong nửa đầu năm, các nhà băng vẫn được cấp thêm room tín dụng. Theo BSC, việc này chủ yếu phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, dựa trên mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất.

Trong đó, TCB và TPB là hai ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng mới cao nhất, đều trên 17%, do CAR theo Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro. Các nhà băng khác được nới tăng trưởng tín dụng trong năm nay lên 9,5-15%, so với mức cũ khoảng 6,5-12%

 

Tăng trưởng tín dụng mới cho các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp trong quý III. Ảnh: BSC

Lãi suất cho vay trung bình có xu hướng đi ngang, chủ yếu do mặt bằng lãi suất giữ tương đương quý I, nhiều khoản vay tái cơ cấu đã hết thời hạn và nhiều ngân hàng tiếp tục hỗ trợ giảm lãi suất. Trong khi đó, lãi suất huy động trung bình của toàn ngành vẫn được giữ ở mức thấp.

Biên lãi ròng (NIM) trong quý II cũng tăng mạnh, đạt mức 3,85%. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng NIM trong nửa cuối sẽ giảm so với quý II, dù vậy mức này vẫn cao so với cùng kỳ.

"Chúng tôi cho rằng NIM toàn ngành sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ do việc giảm lãi suất sẽ không tác động quá nhiều đến thu nhập lãi thuần (NII) nhờ việc giảm lãi suất huy động thời gian tới", báo cáo viết. Nhiều ngân hàng đã chủ động giảm từ 0,1%-0,3% lãi suất huy động giúp tiết giảm chi phí vốn, đồng thời tiếp tục tăng tỷ trọng CASA trong cơ cấu huy động.

Với nợ xấu, BSC cho rằng nợ tái cơ cấu giảm mạnh, và ước tính tỷ lệ trích lập của các ngân hàng sẽ ở mức thấp. Tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ ở mức cao và đang được cải thiện. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam làm dấy lên lo ngại về việc giảm chất lượng tài sản.

Cũng theo dự báo của BSC, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng, sau khi điều chỉnh ảnh hưởng của dịch bệnh, sẽ giảm 5% so với mức dự báo trước. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng sức khỏe tài chính của các nhà băng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn.

Tính đến hết ngày 7/9, P/B forward toàn ngành ngân hàng đạt mức 1,6 lần, giảm khoảng 20% so với đỉnh do lo ngại về ảnh hưởng của Covid-19.

Tuy đại dịch có tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của các ngân hàng, BSC cho rằng ảnh hưởng này không làm giảm quá nhiều lợi nhuận trong điều kiện nhiều ngân hàng đã hoàn thành xấp xỉ 60% kế hoạch cả năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu.

Nguồn: vnexpress.net