Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh thừa nguồn cung nhà ở cao cấp

20.01.2021 - Trong khi thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội thì phân khúc nhà ở tại thị trường TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục tình trạng dư thừa, do tỷ trọng nhà đầu tư thứ cấp trong phân khúc này chiếm tỷ lệ rất cao, trên dưới 60%.

Số liệu trên được Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA) thông tin tại báo cáo đánh giá thị trường BĐS năm 2020, dự báo thị trường năm 2021.

Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh thừa nguồn cung căn hộ cao cấp. (Ảnh internet).

Theo đó, trong năm 2020, TP Hồ Chí Minh, GRDP chỉ tăng 1,39% thấp nhất trong nhiều năm qua và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Thị trường BĐS cả nước và TP Hồ Chí Minh vốn đã gặp rất nhiều khó khăn kể từ cuối năm 2015, nhất là trong 3 năm gần đây và đại dịch Covid-19 đã tác động làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường.

Trong năm 2020, có thể chia làm 2 giai đoạn, gồm: 7 tháng đầu năm thị trường BĐS bị khủng hoảng nghiêm trọng, nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, giao dịch bị ngừng trệ; Kể từ tháng 8/2020 đến nay, thị trường đã dần phục hồi và tăng trở lại.

Năm 2020, TP Hồ Chí Minh đã phát triển được 8,87 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở lên 190,73 triệu m2. Trong đó, nhà ở riêng lẻ do dân tự xây với diện tích 5,19 triệu m2 sàn, chiếm tỷ lệ 58,52% tổng diện tích sàn nhà ở xây dựng mới; Phát triển nhà ở theo dự án chỉ chiếm tỷ lệ 41,48% tổng diện tích sàn nhà ở xây dựng mới, với 52 dự án nhà ở có diện tích 3,68 triệu m2 sàn. Bình quân diện tích nhà ở của TP là 20,63 m2/người, tuy đạt mục tiêu đề ra, nhưng còn thấp hơn rất nhiều so với diện tích nhà ở bình quân của cả nước, 24 m2/người.

Động lực chính trong phát triển nhà ở tại TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua và hiện nay vẫn thuộc về khu vực cá nhân, hộ gia đình tự xây dựng nhà ở riêng lẻ, chiếm tỷ trọng đến 58,52%, trong lúc hoạt động phát triển nhà ở theo dự án tuy có xu thế tăng dần trong các năm qua, nhưng quy mô cũng còn thấp hơn, chỉ chiếm tỷ trọng 41,48% trong năm 2020.

Về cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị đóng băng, cũng không bị “bong bóng”, nhưng tiếp tục bị thiếu hụt nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

“Cả năm 2020, phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư. Đồng thời, đáng quan ngại là dấu hiệu biểu hiện thừa cung của phân khúc nhà ở cao cấp, do tỷ trọng nhà đầu tư thứ cấp trong phân khúc này chiếm tỷ lệ rất cao, trên dưới 60%” - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.

Nguồn: kinhtedothi.vn