Mùa đông lạnh lẽo của kinh tế Mỹ

21.11.2020 - JPMorgan hôm qua (20/11) đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Wall Street cảnh báo Mỹ tăng trưởng âm đầu năm tới.

Đại dịch tại Mỹ đang ngày càng trầm trọng, các bang dần áp lệnh phong tỏa trở lại còn Washington vẫn chưa đưa ra được gói kích thích mới. Bối cảnh ảm đạm này đang kéo tụt đà phục hồi của kinh tế Mỹ, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chuẩn bị nhậm chức.

JPMorgan hôm qua (20/11) đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Wall Street cảnh báo Mỹ tăng trưởng âm đầu năm tới, khi người Mỹ đang chờ vaccine được phân phối. "Mùa đông này sẽ rất khắc nghiệt", các nhà kinh tế tại JPMorgan cho biết trong báo cáo gửi khách hàng, "Chúng tôi tin rằng nền kinh tế sẽ lại tăng trưởng âm trong quý I".

Sau mùa hè tăng trưởng bùng nổ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mất đà nhanh chóng. Quý III ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 33,1% (đã hiệu chỉnh theo cơ sở hàng năm), nhưng JPMorgan cho rằng tốc độ này sẽ chỉ còn 2,8% quý IV và -1% quý đầu năm sau.

Đường phố Manhattan vắng vẻ vì Covid-19 hồi đầu năm. Ảnh: Reuters

Số ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt, buộc thành phố New York tuần này ra lệnh đóng cửa trường công, California và Ohio áp đặt lệnh hạn chế toàn bang. Sở thú cũng đóng cửa trở lại. Những việc này sẽ càng gây sức ép lên kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ chưa thể thống nhất về cách giải quyết tình hình hình mới. Đảng Dân chủ và Cộng hòa liên tiếp thất bại trong việc đàm phán gói kích thích tài khóa mới, làm dấy lên lo ngại 12 triệu người Mỹ sẽ mất quyền lợi trợ cấp cuối năm nay.

"Quốc hội đã khiến cả đất nước thất vọng", David Kotok – Giám đốc Đầu tư tại Cumberland Advisors cho biết. Ian Shepherdson – kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics thì chỉ trích Quốc hội đã "lơ là nhiệm vụ".

Bộ Tài chính Mỹ hôm qua còn "thêm dầu vào lửa" khi muốn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hoàn trả 455 tỷ USD đang sử dụng cho các chương trình cho vay khẩn cấp. Fed đã ngay lập tức phản đối.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết số tiền này có thể được Quốc hội sử dụng để kích thích nền kinh tế. Nhưng không có gì đảm bảo giới chức sẽ đạt được một thỏa thuận. Đây là thời điểm không hợp lý để tước bỏ vũ khí Fed đang sử dụng để chống khủng hoảng.

"Trump lẽ ra nên ký một dự luật trước bầu cử. Giờ ông ấy đang rất khó đoán và quốc hội có vẻ đang hỗn loạn", Kotok nói.

Kể cả Phòng thương mại Mỹ - tổ chức có truyền thống thân thiện với đảng Cộng hòa - cũng cho rằng quyết định của Mnuchin "đã tước bỏ các lựa chọn thanh khoản quan trọng cho doanh nghiệp vào thời điểm họ cần nhất" và điều này "trói tay chính quyền kế nhiệm một cách không cần thiết".

Ngày càng có nhiều dấu hiệu Covid-19 lan nhanh đang tác động lên kinh tế Mỹ. Doanh số bán lẻ gần như không tăng trong tháng 10. Lần đầu tiên kể từ tháng 4, chi tiêu tại các quán bar và nhà hàng giảm. "Đà phục hồi của ngành nhà hàng đã dừng lại trong tháng 10", Shepherdson nói.

Target – một trong những hãng bán lẻ lớn nhất Mỹ - ghi nhận quý III tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, hãng cũng cảnh báo đại dịch và thực trạng kinh tế đang tạo ra nhiều rủi ro. Raphael Bostic – Chủ tịch Fed Atlanta tuần này cho biết trên CNBC rằng giới chức đang "theo sát để xem sự yếu đi trong chi tiêu bán lẻ có tệ hơn hay không".

Trong lúc đó, thị trường lao động đang hồi phục chậm lại và sẽ càng chịu sức ép bởi các quy định hạn chế di chuyển mới. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước đã tăng lần đầu trong một tháng. Mức 746.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cũng vẫn cao hơn thời đỉnh điểm trong khủng hoảng tài chính 2008.

JPMorgan cho rằng việc số việc làm bị mất vĩnh viễn tăng vọt là "diễn biến đáng lo ngại", do nó có thể khiến những người mới thất nghiệp mất nhiều thời gian tìm việc hơn và có khả năng tiêu hết trợ cấp thất nghiệp trước khi có việc mới.

Aneta Markowska – kinh tế trưởng tại Jefferies còn lo ngại làn sóng bùng phát đại dịch mới nhất sẽ khiến tiêu dùng – động lực lớn nhất của kinh tế Mỹ - giảm về 0 trong quý IV. "Rủi ro kinh tế đi xuống là có thật", Markowska nói.

Wall Street thì không chịu quá nhiều tác động từ thực trạng kinh tế. DJIA vẫn đang ở gần mốc 30.000 điểm, còn S&P 500 vẫn đang trên đà có tháng tăng mạnh nhất lịch sử. Nhà đầu tư thì dồn tiền cho các cổ phiếu sẽ hưởng lợi từ vaccine. "Nếu bạn là nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, bạn có thể bỏ qua những tin tức bi quan trong ngắn hạn", Markowska nói.

Dù vậy, tin tốt là các đột phá về y học có thể giúp kinh tế quay về quỹ đạo cũ năm tới. Cả Pfizer và Moderna đều công bố kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 lạc quan, với hiệu quả 95% - cao hơn nhiều kỳ vọng.

Dù việc phân phối vaccine cần thời gian, tin tức này vẫn khiến nhiều ngành chịu tác động từ đại dịch thở phào, như khách sạn, hàng không, du thuyền, nhà hàng và rạp phim. "Sự thành công bước đầu của các cuộc thử nghiệm vaccine lớn đã khiến chúng thêm tin tưởng rằng sự can thiệp của y học sẽ hạn chế thiệt hại với nền kinh tế", JPMorgan cho biết.

JPMorgan dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng "mạnh mẽ" trong quý II và III năm tới, với 4,5% và 6,5%. Một số lĩnh vực khác của kinh tế Mỹ cũng đang bùng nổ. Nhờ lãi suất cho vay thế chấp thấp kỷ lục và làn sóng dời về ngoại ô, doanh số bán nhà tại Mỹ tăng vọt trong tháng 10, lên cao nhất kể từ năm 2006.

JPMorgan kỳ vọng đà phục hồi nhanh năm 2021 sẽ giảm thiểu tổn thương với nền kinh tế. Nhưng kể cả khi đó, "một số tổn thương vĩnh viễn vẫn sẽ là không tránh khỏi", hãng cảnh báo.

Hà Thu (theo CNN)

Nguồn: vnexpress.net