Chỉ sau một tuần cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, ngày 5/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bày tỏ mối quan ngại Điện Kremlin sẽ khóa vòi khí đốt sang châu Âu. Viết trên Twitter lúc đó, bà von der Leyen cho rằng: "Châu Âu phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch", nhưng bà lại khen ngợi Tây Ban Nha khi dẫn đầu về tỷ lệ năng lượng tái tạo và dự trữ LNG.
Đó không phải là lần cuối bà von der Leyen đặt LNG trong danh mục năng lượng tái tạo. Thực tế, LNG cũng là nhiên liệu hóa thạch và cũng có hại cho khí hậu. Vì vậy, sự kết hợp này của bà von der Leyen có thể khiến châu Âu phải trả giá đắt về sinh thái và tài chính.
Châu Âu đang chi hàng tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận khí LNG (Ảnh: AFP/Getty).
Tại Hội nghị thượng đỉnh về tính bền vững của các nền kinh tế hồi tháng 3, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gọi nhiên liệu hóa thạch là "một khoản đầu tư ngu ngốc, nó khiến hàng tỷ USD tài sản bị mắc kẹt".
Ông Guterres kêu gọi các quốc gia phải "đẩy nhanh việc loại bỏ than đá và các nhiên liệu hóa thạch". Theo ông, nghiện nhiên liệu hóa thạch là sự hủy diệt lẫn nhau.
Tuy nhiên, EU đang đầu tư hàng tỷ euro vào cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu hóa thạch. Các quốc gia này đang cố gắng thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng các nguồn cung khác.
Paula Di Mattia Peraire, nhà phân tích khí đốt của Dịch vụ tình báo hàng hóa độc lập (ICIS), cho biết: "Kể từ khi cuộc chiến nổ ra, nhập khẩu LNG đến châu Âu đã tăng 58%". Cả Đức, Hy Lạp, Italy cũng như Ireland, Pháp, Hà Lan và Ba Lan đều đang mở rộng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận LNG.
Theo Peraire, nếu tất cả dự án này hoàn thành, khoảng 15 dự án mới đi vào hoạt động vào cuối năm 2024, thì công suất khí hóa sẽ tăng thêm 70 tỷ m3/năm.
Một lượng tiền lớn của các chính phủ đang chảy vào các cảng LNG ven biển, nơi LNG được dỡ xuống và khí hóa để đưa vào đường ống. Bởi hiện có quá ít các cảng kiểu này để đáp ứng nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu, đặc biệt ở Biển Bắc và Biển Baltic.
Để thay thế khí đốt Nga, châu Âu đang phải nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các nơi khác (Ảnh: DW).
Hơn nữa, thay vì chảy từ đông sang tây, dòng khí LNG sẽ chảy từ Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan vào Trung Âu và Đông Âu. Tuy nhiên, do các đường ống dẫn khí đốt chủ yếu là đường một chiều nên "dòng chảy ngược" này chỉ có thể diễn ra ở mức hạn chế.
Mặt khác, để thay thế 167 tỷ m3 khí đốt hàng năm của Nga, EU sẽ cần khoảng 1.800 chuyến tàu, với dung tích 175.000 m3/tàu, hoặc 5 chuyến mỗi ngày. Điều này, theo Viện Kinh tế Vận tải và Hậu cần, sẽ cần ít nhất 160 tàu mới. Với đơn giá mỗi tàu 220 triệu USD, châu Âu sẽ cần phải chi 35,2 tỷ USD.
Riêng Đức, theo Reuters, để duy trì nguồn điện thắp sáng, nước này đang chảy máu tiền mặt. Kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Đức đã chi ra gần 500 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, khoản chi này có thể vẫn chưa đủ.
Theo tính toán, Đức đã chi lên tới 440 tỷ euro (tương đương 465 tỷ USD) nhằm tránh bị thiếu điện và đảm bảo các nguồn năng lượng mới. Con số này tương đương với khoảng 1,5 tỷ euro mỗi ngày kể từ khi cuộc chiến nổ ra hay tương đương mỗi người dân Đức phải gánh 5.400 euro.
Nhưng nếu thời tiết lạnh kéo dài, nền kinh tế số một châu Âu có thể sẽ phải tính đến phương án phân phối năng lượng, điều chưa từng có trong hơn nửa thập kỷ phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Nguồn: dantri.com.vn