Doanh Nghiệp BĐS Sẵn Sàng Cho Kịch Bản Nửa Cuối Năm 2023
28.07.2023 - Thị trường BĐS 2023 nửa cuối năm đang được đặt nhiều kỳ vọng ấm lên sau khoảng thời gian chững lại. Đồng thời, các doanh nghiệp địa ốc cũng đã chuẩn bị sẵn những phương án cùng những kịch bản để có thể đối mặt với mọi tình huống sẽ xảy ra.
Thị Trường BĐS 2023 Trong 6 Tháng Đầu Năm Tìm Đường “Vượt Bão”
Thống kê từ Bộ Xây dựng, thị trường BĐS 2023 trong nửa đầu năm chỉ có 187.000 giao dịch thành công, giảm 63,87%, trong đó số lượng giao dịch nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm đến 59,31% so với 6 tháng cuối năm 2022. Giai đoạn này, có khoảng 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 22,6%, số doanh nghiệp thành lập mới giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022 và vốn đăng ký mới của doanh nghiệp cũng giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn kiên cường tìm hướng “vượt bão” để hoạt động, tạo công ăn việc làm cho đội ngũ nhân sự. Đi cùng với đó là duy trì uy tín thương hiệu và niềm tin với người mua nhà.
Chia sẻ tại sự kiện gặp gỡ các nhà phân tích quý 2/2023, ông Trần Xuân Ngọc, TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 là thời điểm nhiều thách thức. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ vẫn đạt 128 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Theo đó, phần lớn doanh thu đầu năm của Nam Long đến từ việc bàn giao các sản phẩm thuộc 2 dự án KĐT Mizuki Park (TP.HCM) và Southgate (Long An). “Một may mắn của Nam Long là hầu hết những khách hàng đã mua dự án trước đó của Nam Long vẫn đóng 45% giá trị hợp đồng để nhận bàn giao nhà trong bối cảnh thị trường được cho là khó khăn. Đây là yếu tố giúp Nam Long ghi nhận được doanh số khả quan”, vị này cho hay.
Cũng theo TGD Nam Long, trong quý 1, con số bán hàng khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 238 tỷ đồng do tác động chung từ thị trường. Sang quý 2, tình hình cải thiện thấy rõ, doanh số pre-sale đạt 629 tỷ đồng. Theo đó, tổng doanh số bán hàng 6 tháng đầu năm đạt gần 867 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 61%, được cải thiện so với con số 44% của cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra nửa đầu năm, công ty đã hoàn thiện pháp lý một số dự án. Trong đó, dự án ở Cần Thơ có quyết định giao đất, dự án EhomeS Nam Sài Gòn có giấy phép xây dựng nhà ở xã hội, dự án Ehome Southgate có giấy phép bán hàng cho một số khu và Izumi City (tên thương mại dự án Đồng Nai Waterfront) cũng vậy. Ban lãnh đạo cho biết công ty đã tiếp cận để mở rộng quỹ đất ở một số khu vực như Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ… Hiện tại, công ty sở hữu gần 700ha đất.
Là một trong số ít sàn môi giới BĐS vẫn có thể đứng vững trên thị trường BĐS 2023 đến thời điểm hiện nay, bà Phạm Thị Phương Thảo, TGĐ Công ty Cổ Phần BĐS Sao Việt cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công ty may mắn vì vẫn duy trì được hoạt động bán hàng. Trung bình mỗi tuần, các sàn vẫn chốt được 4-5 giao dịch thành công. Đây được xem là con số rất khả quan ở thời điểm này. Vì thực tế ngoài thị trường, nhiều sàn môi giới còn không bán được sản phẩm nào trong vài tháng nay.
Bà Thảo chia sẻ, hầu như mọi kế hoạch bán hàng đề ra trước đó đều không thể về đích như dự kiến. Doanh nghiệp gồng gánh rất nhiều để duy trì hoạt động. So với nhiều doanh nghiệp khác, Sao Việt đỡ vất vả hơn nhờ duy trì được nguồn cung mở bán và được thị trường đón nhận. Loạt căn hộ mà công ty phân phối thời gian qua như Bcons Plaza, Bcons Polaris, phân khu Green Topaz của Bcons City… đều là dòng sản phẩm căn hộ vừa túi tiền, tầm giá từ 1,3 -1,7 tỷ đồng, phù hợp nhu cầu mua ở thực.
“ Đây là sản phẩm đón đúng điểm rơi thanh khoản giai đoạn này. Nhờ vậy mà vẫn có giao dịch. Công ty cũng nhờ đó duy trì được đội ngũ nhân sự ổn định, chưa phải giảm lương, nợ lương hay thiếu hoa hồng cho nhân viên”.
Cuối Năm Liệu Có Bức Tốc ?
Nói thêm về chiến lược kinh doanh 6 tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Huy Đức, Giám đốc tài chính Nam Long Group cho biết đến hiện tại, công ty đã bán sản phẩm đạt 10.000 tỷ đồng nhưng chưa ghi nhận doanh thu. Trong đó, 6.000 tỷ đồng mong muốn ghi nhận cho năm nay và 4.000 tỷ đồng cho năm sau. Nam Long cũng đã thử chia nhỏ giỏ hàng, vận dụng các chính sách bán hàng phù hợp và kiểm tra khả năng hấp thụ của thị trường, từ đó có chiến lược phù hợp cho nửa cuối năm.
Theo ông Trần Xuân Ngọc, trong 6 tháng cuối năm, nguồn thu của Nam Long sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án trọng điểm hiện có ở TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Cần Thơ. Bên cạnh đó, doanh thu còn đến từ việc bán các BĐS và chuyển nhượng quỹ đất.
Công ty nghiên cứu tái cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường hiện tại, ưu tiên phát triển các sản phẩm dẫn đầu phân khúc nhà ở giá hợp lý có thị trường bền vững. Cụ thể, sẽ tập trung bán các sản phẩm có khả năng hấp thụ tốt hơn như căn hộ vừa túi tiền Ehome Soutgate (1-1,5 tỷ đồng/căn), nhà ở xã hội EhomeS Cần Thơ (500-700 triệu đồng/căn tùy vùng), căn hộ trung – cao cấp Akari City, Mizuki Park (dao động 2-3 tỷ đồng/căn).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tiếp tục xây dựng chính sách tài chính làm sao giãn tiến độ thanh toán cho phù hợp với năng lực của người mua ở thực và cả nhà đầu tư dài hạn. Ưu tiên mở rộng quỹ đất cho sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, kiên định duy trì chính sách tài chính lành mạnh, cân đối dòng tiền tập trung cho công tác ưu tiên và công tác tiền phát triển dự án.
Còn với bà Phạm Thị Phương Thảo, để thích ứng với thị trường BĐS 2023 trong 6 tháng cuối năm, Sao Việt đã có sẵn hơn 1000 sản phẩm. Vì vậy, để đáp ứng cho hoạt động kinh doanh, công ty sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tuyển dụng trong những tháng tới đây, mục tiêu đến cuối năm 2023 nhân sự công ty khoảng hơn 300 người. Doanh số bán hàng dự kiến sẽ cao hơn so với đầu năm nhưng sẽ phải cân đối lại mục tiêu, giảm bớt kỳ vọng ban đầu để thích ứng với tình hình mới.
“Thị trường BĐS 2023 nữa cuối năm sẽ vẫn còn khó khăn nhưng nếu so với đầu 2023, tín hiệu tích cực đang dần thấy rõ. Người mua nhà ở thực đã dần quay trở lại. Giai đoạn này, doanh nghiệp nào có sản phẩm phù hợp tài chính người mua ở thực, đáp ứng đúng tiêu chí chất lượng, uy tín xây dựng và cam kết pháp lý với người mua thì vẫn sẽ tồn tại và mở ra cơ hội phát triển mới, tạo tiếng vang và lực đẩy để ghi điểm trong mắt người mua nhà nói riêng và thị trường nói chung”.
Thách Thức Cho Doanh Nghiệp BĐS Trong Tình Hình Mới
Đưa ra thách thức mà doanh nghiệp BĐS đang và sẽ phải đối mặt hiện nay, ông Diệp Đình Chung, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Nam Long cho biết, khó khăn của thị trường BĐS đang đối mặt là rất lớn, dù có sự can thiệp và hỗ trợ từ phía Chính phủ nhưng để thị trường BĐS 2023 phục hồi và khởi sắc còn là một chặng đường dài.
Theo ông Chung, câu chuyện niềm tin và uy tín doanh nghiệp đang được người mua nhà để tâm hơn cả. Giá không còn là yếu tố hàng đầu, thay vào đó là chính sách, thương hiệu, sức khỏe doanh nghiệp, tài chính và uy tín xây dựng từ các dự án CĐT đang triển khai. Lúc này khâu phát triển của CĐT đang được người mua nhà “soi” rất kỹ. Từ khâu pháp lý dự án, khâu bán hàng, tiến độ triển khai, đến cả quản lý vận hành dự án cũng được chú trọng hơn. Doanh nghiệp phải tập trung phát triển từ chu trình khép kín của một dự án , thậm chí cả giai đoạn hậu mãi, bàn giao cũng là yếu tố để duy trì niềm tin của người mua nhà trong bối cảnh này.
Về nhân lực, thời gian qua doanh nghiệp chuyển biến rất nhiều trong nguồn nhân lực. Thị trường chứng kiến làn sóng nhân sự BĐS bỏ nghề, chuyển dịch sang các lĩnh vực khác. Thách thức đặt ra ở đây là khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với bài toán làm sao để xây dựng hệ thống bán hàng chuyên nghiệp.
Củng cố niềm tin, chạm đến nhu cầu chính của người tiêu dùng, các chủ đầu tư đang có xu hướng tập trung vào phát triển sản phẩm mình làm tốt nhất. Không mở rộng các thị trường mới hay đưa ra các dòng sản phẩm mới mà sẽ làm tốt nhất trong phân khúc của mình hiện tại. Đây là điều củng cố niềm tin với khách hàng, bởi “khi ta làm tốt nhất những cái vốn là thế mạnh, đây là minh chứng tốt nhất cho người mua nhà an tâm”, ông Chung nhấn mạnh.
Đánh giá về thị trường dưới góc độ kinh tế vĩ mô, ông Lê Anh Tuấn, Phó TGĐ Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Việt Nam, cho rằng đến quý 4 năm nay hay quý 1/2024, thị trường BĐS sẽ có những chuyển biến tích cực và rõ nét hơn.
Thị trường BĐS bị chi phối bởi hai yếu tố chính sách điều hành và chính sách tài chính. Thời gian qua, BĐS rơi vào thấp điểm do cả hai chính sách này đều bị siết chặt. Xét trên chu kỳ của BĐS, thị trường BĐS 2023 đang ở điểm rơi, tuy nhiên có sự khác biệt rất lớn so với chu kỳ khủng hoảng trước đây. Đó chính là động thái tích cực từ phía Chính phủ.
Chưa khi nào mà Chính phủ có động thái quyết liệt với thị trường BĐS như lúc này. Ngay trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu NHNN có những điều chỉnh quyết liệt về lãi suất, đẩy nhanh quá trình xét duyệt hồ sơ pháp lý, gỡ vướng cho các dự án BĐS. Việt Nam đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nếu so sánh với năm 2022, giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đang rất mạnh, quá trình xét duyệt vướng mắc pháp lý cho dự án cũng được đẩy nhanh chưa từng có. Điều này cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc vực dậy nền kinh tế nói chung và thị trường nhà đất nói riêng.
Nguồn: batdongsan.com.vn
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.