Giá BĐS Thứ Cấp Đã Giảm, Người Mua Có Nên Chờ Giảm Tiếp ?

22.02.2023 - TP.HCM - Tâm lý “chờ” vẫn đang chiếm áp đảo trên thị trường giao dịch nhà đất thứ cấp. Dù có nhu cầu mua nhưng nhiều khách hàng vẫn kỳ vọng giá giảm thêm và "bắt đáy" trong giai đoạn tới.

Đã Giảm Sâu Vẫn Chờ Giảm Tiếp

Cuối năm 2022, chị Chi (quận 11, TP.HCM) đăng bán căn hộ chung cư tại TP. Thủ Đức (gần khu vực Xa Lộ Hà Nội) với mức giá bán 2,8 tỷ/căn, ngang với mặt bằng giá chung mà nhiều hộ dân chào bán trước đó. Đến hiện tại, chị phải hạ giá xuống còn 2,5 tỷ đồng nhưng vẫn bị khách mua đề nghị giảm thêm. Chị Chi cho biết, đây là căn hộ gia đình mình mua để ở chứ không phải đầu tư nhưng do thu nhập gia đình bị ảnh hưởng, không còn đủ khả năng gánh trả lãi và gốc hàng tháng nên mới phải bán lại.

“Môi giới liên hệ hỏi tôi liệu có thể giảm thêm chút ít nữa để “lấy lộc” hay không. Từ 2,8 tỷ đồng đã giảm xuống hơn 300 triệu đồng mà hiện giờ khách còn muốn ép tiếp. Nếu không phải cáng đáng lãi suất quá tầm tay, tôi cũng chẳng muốn bán lại căn nhà mình tích góp, đắn đo rất nhiều mới dám mua”. Được biết, giá gốc căn hộ này chị Chi mua là 2,4 tỷ đồng, bán với mức giá hiện tại chị đã chịu lỗ nếu tính thuế phí và các khoản lãi suất thời gian qua.

Sức ép từ đòn bẩy tài chính khiến một số người mua nhà phải chấp nhận cắt lỗ tài sản.

Cũng phải rao bán giảm giá một căn hộ trên khu vực phường Phú Thuận, quận 7, anh Quân (TP. Thủ Đức) cho biết, đầu năm đã thống nhất với người mua là mức giá 2,5 tỷ đồng/căn, vậy nhưng đến khi chuẩn bị hợp đồng sang nhượng thì người mua lại đổi ý, đòi giảm thêm 100 triệu đồng nữa vì thấy có nhiều căn hộ khác cùng diện tích mà giá thấp hơn. Theo anh Quân, mức giá anh chào bán lúc này đã giảm gần 250 triệu đồng so với thời điểm đầu năm 2022, nếu không phải đang gặp khó khăn thì anh cũng không bán rẻ như vậy.

Không chỉ với căn hộ, nhiều khách mua nhà liền thổ cũng đang chịu cảnh bị ép giá khi cần ra hàng dù đã giảm sâu. Anh T. (quận Bình Thạnh) cho biết, đang bị ép giá khá sâu khi sang nhượng lại căn nhà phố thương mại tại một dự án ở Biên Hòa, Đồng Nai. Được biết năm 2022, anh mua căn nhà phố này với mức giá tổng thể là 13 tỷ đồng, hiện anh chỉ mới thanh toán khoảng 30% giá trị sản phẩm và theo dự kiến là sẽ phải thanh toán thêm 50% nữa vào quý 1/2023 này. Vì không đủ tài chính thanh toán tiếp nên anh phải sang tay và chấp nhận lỗ gần cả tỷ đồng vậy mà khách có ý định mua đều thương lượng để giảm sâu thêm.

Mức cắt lỗ từ 200-300 triệu đồng/căn như hiện nay được xem là con số giảm sâu trên thị trường nhà đất, nhất là với loại hình căn hộ, nhà liền thổ vốn không phải sản phẩm lướt sóng, đầu cơ mà có giá trị sử dụng và khai thác thương mại. Tuy nhiên nhiều người mua vẫn giữ quan điểm giá nhà sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới nên chưa muốn xuống tiền lúc này vì sợ “mua hớ”.

 

Nắm Bắt Cơ Hội Mua Nhà Lúc Này

Một nhà đầu tư trẻ tại TP.HCM cho biết, chị nhận được nhiều lời tư vấn là không cần vội vàng xuống tiền vào lúc này vì có thể đến quý 2 tới đây sẽ có những đợt cắt lỗ sâu hơn khi nhà đầu tư đến kỳ thanh toán. Hiện tại các sản phẩm chào bán đa phần đến từ các khách hàng mua BĐS để đầu tư. Dòng tiền của nhóm này dựa chủ yếu vào ngân hàng nên khi lãi suất tăng, đến thời điểm phải thanh toán sẽ phải chấp nhận thương lượng thêm. Người mua giờ không còn nỗi lo BĐS "nóng sốt" “tăng giá nóng”, phải tranh giành suất mua, thay vào đó, họ sợ xuống tiền sớm thì thời gian tới nếu giá giảm tiếp sẽ bị “hớ”. Chính vì tâm lý thảnh thơi này mà nhiều người vẫn chọn quan sát hơn là tham gia thời điểm này.

Theo nhiều sàn môi giới tại TP.HCM chia sẻ, tính từ thời điểm quý 3/2022 đến hiện tại, lượng đơn hàng BĐS ký gửi nhờ sang nhượng liên tục tăng lên. Nếu trước kia, người bán thường đưa ra mức lợi nhuận thu về ít nhất cũng 10 - 20% thì giờ hầu như đều chỉ mong thu hồi vốn gốc, thậm chí có nhiều sản phẩm chấp nhận giảm giá từ 150-500 triệu đồng tùy tổng giá trị để thoát hàng nhanh. Tuy nhiên việc tín dụng cho vay bị siết chặt, lãi suất vẫn ở mức cao khiến nhóm khách sẵn lòng mua lúc này không nhiều. Thêm vào đó là tâm lý chờ thị trường “chạm đáy” để mua được giá tốt nhất khiến hoạt động giao dịch luôn ở thế giằng co, thương lượng chứ chưa nhiều người chịu chốt.

Với các sản phẩm BĐS chất lượng tốt, mức giảm giá từ 10% trở lên là người mua có thể tính toán việc mua vào lúc này.

Số liệu NCTT từ Batdongsan.com.vn chỉ ra, riêng tháng 1/2023, nhu cầu tìm mua nhà đất trên cả nước giảm 10% so với cùng kỳ và giảm 31% so với tháng 12/2022. Mức suy giảm mạnh nhất rơi vào loại hình đất nền, đất nền dự án và nhà riêng, nhất là ở các thị trường tỉnh. Riêng với Hà Nội và TP.HCM, lượng tìm mua BĐS vẫn ghi nhận xu hướng tăng lần lượt 11% và 37%, nhất là ở loại hình đáp ứng nhu cầu ở thực là căn hộ và nhà liền kề. Từ việc gia tăng lượng tìm kiếm BĐS tại hai thành phố lớn nhất cả nước cho thấy, nhu cầu về nhà ở trong dân đang rất lớn, tỷ lệ khách hàng có ý định mua BĐS không suy giảm. Tuy nhiên tâm lý chờ “bắt đáy” đang khiến giao dịch thực trên thị trường không nhiều và dòng tiền vẫn ở trạng thái chờ cơ hội.

Nhìn nhận về xu hướng của thị trường thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng, đây là lúc nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, dễ dàng thương lượng về giá và ưu thế đang nghiêng về nhà đầu tư BĐS có sẵn tiền mặt, có tầm nhìn dài hạn. Thị trường BĐS nửa đầu năm 2023 còn nhiều khó khăn nhưng thời điểm cuối năm sẽ từng bước phục hồi. Những tín hiệu tích cực từ thị trường tài chính, chính sách điều tiết của Chính phủ cũng như việc NHNN thống nhất sẽ tung ra hai gói tín dụng mới cho BĐS là động thái tích cực, khơi thông dòng vốn cho thị trường sau thời gian khó khăn. Các yếu tố trên sẽ giúp đẩy nhanh sự phục hồi về niềm tin của nhà đầu tư trong năm 2023 và thị trường càng về cuối càng nhiều điểm sáng. Tâm lý chờ đợi "đáy", mong BĐS giảm thêm sẽ rất dễ bỏ qua cơ hội khi khi thị trường đi qua đáy và bắt đầu đi lên. Do đó, nếu tìm được sản phẩm phù hợp, tầm giá hợp lý thì người mua nên hiện thực hóa để nắm bắt cơ hội sở hữu nhà ở lúc này.

Nguồn: batdongsan.com.vn