Luật Nhà Ở, Luật Đất Đai Và Luật Kinh Doanh Bất Động Sản Sửa Đổi Tác Động Như Thế Nào Đến Thị Trường BĐS Việt Nam?

18.07.2023 - Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh Doanh Bất Động Sản sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023 tới đây. Đây là một cột mốc sẽ có tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết 3 luật này sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường trong nước.

Luật Nhà Ở, Luật Đất Đai Tác Động Đến Kinh Tế Và Thị Trường BĐS

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong chính sách sở hữu nhà ở như quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, quy định rõ quyền của cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở… có tác động tích cực trong việc thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản là nhà ở và khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.

 

 

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản
 
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở sửa đổi có tác động tích cực trong việc khai thác tối đa, đầy đủ các quyền tài sản, bảo đảm lợi ích cho các chủ sở hữu, giúp thúc đẩy các hoạt động đầu tư, giao dịch liên quan đến nhà ở. Luật nhà ở cũng cóp phần thúc đẩy phát triển nhà ở đảm bảo cân đối cung – cầu, đa dạng hóa nguồn cung, tránh tình trạng thị trường phát triển nóng, bất thường, gây lạm phát kinh tế.
 
Việc sửa đổi, bổ sung các hình thức sử dụng đất đảm bảo thống nhất với pháp luật liên quan sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án, tạo nguồn cung nhà ở thương mại dồi dào, để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, hạn chế được các chủ đầu tư yếu kém về năng lực khi thực hiện dự án.
 
Ngoài ra, Luật nhà ở sửa đổi giúp hệ thống tài chính nhà ở được hoàn thiện theo hướng ổn định và dài hạn, giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo nguồn vốn phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Về tác động xã hội, Luật nhà ở quy định rõ và bổ sung đầy đủ các quyền và nghĩa của chủ sở hữu góp phần hạn chế các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà ở, góp phần tạo sự ổn định trật tự xã hội;
Các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài được luật hóa theo hướng rõ ràng, cụ thể tạo sự yên tâm về điều kiện sinh sống làm việc tại Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế mà không ảnh hưởng đến chính sách nhà ở cho các đối tượng xã hội.
 
Những thay đổi tích cực cũng tạo cơ hội cho đa số người dân đặc biệt là người có thu nhập thấp, trung bình tại khu vực đô thị có khả năng tiếp cận nhà ở một cách đa dạng thông qua việc mua nhà đất, thuê nhà ở phù hợp với khả năng tài chính, tăng nguồn cung nhà ở, giảm giá nhà, tạo nhiều cơ hội cho đa số người dân tiếp cận với nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế và khả năng tài chính nhất là các đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình tại khu vực đô thị góp phần bảo đảm an sinh, xã hội.
 
Ông Hải cũng cho rằng thông qua việc phát triển hệ thống tài chính ổn định và dài hạn, khả năng tiếp cận các nguồn tài chính của người dân và doanh nghiệp phát triển nhà ở được tăng cường; nhiều người có khó khăn về nhà ở sẽ được hỗ trợ hiệu quả và kịp thời hơn, góp phần ổn định an sinh xã hội.
 

Những Tác Động Của Luật Kinh Doanh Bất Động Sản Với Thị Trường

 
Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi giúp cho thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, ngân sách nhà nước qua đó sẽ tăng thu, việc tái đầu tư lại xã hội như mở rộng trường học, xây dựng công viên, phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp,… sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện tốt hơn; góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
 
Những điểm mới của Luật kinh doanh bất động sản sẽ giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn, bất cập của thị trường BĐS làm cơ sở khơi thông thị trường, khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS; giải quyết cân đối hài hòa quan hệ cung – cầu của thị trường BĐS.
 
Ngoài ra, tạo động lực mới cho thị trường BĐS phát triển minh bạch, hiệu quả, bền vững; kéo theo các ngành nghề khác phát triển; đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
 
Về tác động xã hội, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, công khai, minh bạch hơn cho hoạt động kinh doanh BĐS, kiểm soát thị trường BĐS cũng như kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh BĐS và BĐS đưa vào kinh doanh nhằm giúp cho thị trường BDDS, hoạt động kinh doanh BĐS của các tổ chức, cá nhân tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua BĐS. Như vậy, khách hàng sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.
 
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS được hưởng lợi từ việc hoàn thiện phù hợp với thực tiễn thị trường hệ thống quy định pháp luật về BĐS. Các tổ chức trung gian, liên quan đến thị trường BĐS như tổ chức tín dụng, văn phong công chứng, công ty luật, các doanh lĩnh vực ngành nghề sẽ được hưởng lợi từ sự phát triên của thị trường BĐS kéo các theo nhu cầu khác về kinh tế xã hội.
Nguồn: batdongsan.com.vn