19.06.2023 - Nghề môi giới BĐS đang có hàng ngàn nhân sự phải chật vật, loay hoay để tồn tại. Làn sóng sa thải, nợ lương, phí môi giới đang diễn ra rộng khắp trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Kẻ Cố Cầm Cự, Người Chọn Bỏ Nghề Môi Giới BĐS
5 tháng không bán được sản phẩm nào, Hương một môi giới BĐS bán nhà đất Bình Dương cho biết, đang phải chuyển sang làm bán thời gian nghề khác để nuôi sống bản thân. Nghề môi giới BĐS từ chính trở thành phụ, và là công việc duy trì để khỏi mất nghề, mất khách quen chứ không còn là nguồn thu nhập chính như trước đây.
“Nhiều người nghĩ nghề môi giới BĐS kiếm tiền dễ, nhưng không phải. Mình cũng là người đi làm công ăn lương, hoa hồng công ty trả. Bán được nhà thì thu nhập ổn định, không bán được thì khó khăn. Từ lúc mình vào nghề thì lúc bán được, lúc không, nhưng chưa lúc nào mà "bi đát" như lúc này. Vừa không có sản phẩm cũng không có khách, hợp đồng tưởng đã chốt xong lại bị hủy "kèo" phút chót. Khách ngưng mua, ngưng hỏi. Người cần bán thì có nhưng không kiếm được người mua”, Hương chia sẻ.
Chị Hồng Hạnh, môi giới với 6 năm kinh nghiệm, đang làm việc tại một sàn giao dịch BĐS lớn ở TP.HCM cho biết suốt 6 tháng qua chị chưa bán được sản phẩm nào. Nghề môi giới BĐS chủ yếu kiếm thu nhập từ hoa hồng. Không bán được hàng đồng nghĩa không có thu nhập. Cuộc sống của chị vô cùng khó khăn.
“Đợt tháng 4 công ty may mắn có dự án căn hộ đủ pháp lý để mở bán nhưng rồi tìm không được khách. Đa số khách hàng sau khi nghe giới thiệu thông tin sản phẩm, giá bán thì đều im lặng. Đáng nói, nhiều người chỉ cần nghe bên kia đầu dây tự giới thiệu là môi giới BĐS thì liền tắt máy”, chị Hạnh tâm sự.
Không còn cầm cự với nghề môi giới BĐS như hai đồng nghiệp trên, Mạnh Tiến (quận 4, TP.HCM) đã chuyển hẳn sang lĩnh vực khác sau khi nằm trong nhóm bị thanh lý hợp đồng vào đầu năm nay. Dù có kinh nghiệm gần 4 năm trong nghề môi giới BĐS nhưng khó khăn đã khiến Tiến quyết định tạm dừng cuộc chơi với ngành và chuyển sang tìm kế sinh nhai khác, chờ thị trường phục hồi thì sẽ trở lại.
Tương tự, Duy Khánh, một môi giới trẻ vào nghề được 3 năm cũng đang chuyển sang ngành khác. Do tâm huyết nên Khánh vẫn duy trì kênh Tiktok của mình để giới thiệu sản phẩm giá tốt mà anh em trong ngành chia sẻ. Qua các clip giới thiệu sản phẩm, Khánh nhận ra còn rất nhiều người quan tâm đến BĐS nhưng họ lại không muốn mua lúc này dù giá bán tốt hơn trước đây.
Nhiều môi giới vẫn trụ lại với nghề cho biết vài tháng qua họ cũng phải "thắt lưng buộc bụng" vì không nhận được lương và hoa hồng. Công ty không có dự án mới để bán nên không trả lương nhân viên. Tình trạng nợ phí môi giới diễn ra phổ biến tại nhiều doanh nghiệp.
Kinh tế khó khăn, khách hàng có xu hướng tích trữ tiền chờ diễn biến thị trường nên rất khó thuyết phục họ xuống tiền đặt mua sản phẩm. Ngoài các kênh truyền thống như Online Marketing, chạy Google Ads, Facebook Ads hay đăng video lên Tiktok, môi giới giờ phải chịu khó đi đến các khu chợ, khu dân cư, ngày hội du lịch, việc làm, hội chợ triển lãm hay các trung tâm mua sắm phát tờ rơi để mong tìm được khách.
Doanh Nghiệp Vẫn Còn Nhiều Khó Khăn
Một khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC của Chính phủ chỉ ra, các ngành kinh doanh BĐS, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Còn xét theo địa phương, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh, thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.
Còn theo thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), hiện chỉ còn khoảng 30-40% môi giới BĐS còn làm việc. Số còn lại đã tạm nghỉ hoặc bỏ nghề, kiếm việc khác mưu sinh do thị trường khó khăn. Những môi giới còn trụ lại với nghề cũng phải linh hoạt kiếm sống, vừa làm môi giới, vừa kiếm việc làm thêm.
Cũng theo VARS, hơn 95% môi giới giảm thu nhập so với năm trước, trong đó 14% môi giới BĐS có thu nhập giảm 20 – 30%; hơn 54% giảm 30 – 40%. Cá biệt có khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập. Theo đơn vị này, lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn thuộc các đối tượng “lính mới” và “tay ngang” chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường.
Quý I/2023, doanh thu của các doanh nghiệp BĐS giảm 6,46% và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6%. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án. Nhiều doanh nghiệp lớn phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự như Đất Xanh cắt giảm 41%; Novaland cũng cắt giảm 20%; Sunshine Homes giảm 16% và An Gia cũng giảm gần 30% nhân sự trong năm 2022. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, một số doanh nghiệp lớn tiếp tục cắt giảm nhân sự 10 – 20%.
Các doanh nghiệp BĐS đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy. Trên 95% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, dừng ký hợp đồng tạm thời, cho thôi việc hoặc chuyển sang chế độ không lương làm cộng tác viên, cắt giảm lương tùy cấp bậc v.v do không còn nguồn lực cầm cự.
Về khả năng cầm cự, dữ liệu khảo sát của VARS cũng chỉ ra nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì sẽ có 23% doanh nghiệp duy trì hoạt động được tới hết quý 3/2023, đồng thời khoảng 43% doanh nghiệp có khả năng trụ được đến hết năm 2023.