Thiếu cát đe dọa tiến độ Vành đai 3 TP HCM

05.04.2024 - Cát đắp nền mới huy động được hơn 4% nhu cầu, nhiều gói thầu của Vành đai 3 phải thi công cầm chừng, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ.

Nhiều tháng qua, gói thầu xây lắp số 3 thuộc tuyến Vành đai 3 đi qua địa bàn TP Thủ Đức phải thi công cầm chừng vì nguồn cát san lấp được khai thác nhỏ giọt. Đây là gói thầu xây dựng cầu cạn, nhưng phải triển khai nhiều hạng mục gia cố nền đất, làm đường song hành... Khó khăn nguồn vật liệu nên nhà thầu không thể thi công đồng loạt dù đã hoàn tất thu dọn mặt đường, đào bóc nền đất cũ để triển khai đắp nền mới theo tiêu chuẩn.

Công trường thi công Vành đai 3, đoạn qua TP Thủ Đức, đầu tháng 4/2024

Ông Phạm Đăng Huyên, cán bộ kỹ thuật phụ trách phần cầu thuộc liên danh nhà thầu, cho biết năm nay nhu cầu cát đắp ở gói xây lắp số 3 ước tính hơn 200.000 m3, riêng tháng 4 khoảng 25.000 m3 song đang "tắc" đầu vào. Nhiều mỏ thuộc các tỉnh phía Nam đang đóng cửa, hoặc ưu tiên cho dự án ở địa phương và cao tốc Bắc - Nam. Trong khi một số mỏ khác trữ lượng ít, hoặc đã hết hạn phải chờ thủ tục cấp lại. Việc mua cát ngoài thị trường cũng khó khăn vì vật liệu đưa tới công trình cần rõ nguồn gốc, hóa đơn...

"Thiếu cát nên thời gian qua, công tác xử lý nền đất yếu chỉ triển khai được một số phần việc như đóng cừ tràm, cọc xi măng đất, đường công vụ...", ông Huyên nói, thêm rằng nếu như trước đây, vấn đề nhà thầu lo lắng nhất là mặt bằng sạch thì nay lại là nguồn cát, vì dù có mặt bằng nhưng thiếu vật liệu san nền thì việc thi công thì cũng phải "đầu hàng".

Gói thầu số 3 dài khoảng 3 km, trị giá hơn 2.000 tỷ đồng, là một trong 10 gói xây lắp chính của Vành đai 3 đoạn qua địa phận TP HCM. Thời gian thực hiện gói thầu này đến tháng 10/2026, trong đó tuyến chính vành đai theo kế hoạch cần hoàn thành vào quý 4/2025. Tuy nhiên, kế hoạch trên có thể bị ảnh hưởng trước tình trạng khan hiếm nguồn cát đắp.

Phía Tây Bắc thành phố, gói thầu số 8 của Vành đai 3 qua huyện Hóc Môn cũng đang gặp trở ngại lớn vì thiếu cát. Ông Hoàng Phúc Thịnh, chỉ huy trưởng đơn vị thi công, Tập đoàn Cienco4, cho biết gói thầu trên cần khoảng 1,7 triệu m3 cát đắp nền, song từ khi triển khai tháng 8 năm ngoái tới nay nguồn cát mới cung ứng được hơn 3.000 m3. Tình trạng thiếu cát khiến việc thi công khó khăn trong điều kiện cần tập trung xử lý nền đất trong năm nay.

"Thời gian chờ lún, gia tải mặt đường bình quân 12-16 tháng, nên chậm nhất đầu tháng 5 nguồn cát cần cung cấp ổn định cho toàn bộ gói thầu mới kịp thi công các hạng mục khác, đảm bảo cơ bản thông xe tuyến chính Vành đai 3 vào tháng 10/2025", ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, trên công trường gói thầu đã được đơn vị tổ chức 6 mũi thi công, trong đó ba mũi làm phần cầu, còn lại phần đường. Tuy nhiên, nguồn cát đắp không đủ nên việc thi công đang chuyển qua phần cầu thay vì nền đường, vốn là phần việc thường triển khai trước. "Chúng tôi đang tập trung xây dựng cầu vượt tỉnh lộ 9 băng qua tuyến Nguyễn Văn Bứa cùng một số cầu khác trên tuyến để đáp ứng tiến độ chung", ông nói.

Công trường thi công Vành đai 3, đoạn qua huyện Hóc Môn, tháng 3/2024

Tương tự, ở công trường nhiều đoạn khác của Vành đai 3 cũng phải "nằm chờ" do thiếu cát. Một số nhà thầu cho biết đã chủ động liên hệ các mỏ ở nhiều tỉnh, song chỉ nhận được "lắc đầu" vì họ ưu tiên dự án tại địa phương, chưa có chủ trương cấp ra ngoài tỉnh. Nhiều nguồn khác mua được ngoài thị trường, song giá cao nên nhà thầu bị lỗ.

Khởi công giữa năm 2023, Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, được đầu tư giai đoạn một với tổng chiều dài hơn 76 km, kinh phí gần 75.400 tỷ đồng. Trong đó, phần qua TP HCM dài nhất với hơn 47 km. Theo UBND thành phố, nhu cầu cát đắp cho toàn tuyến hiện ước tính khoảng 9,3 triệu m3. Năm 2024 dự án cần hơn 6 triệu m3, riêng đoạn qua thành phố khoảng 4,7 triệu m3. Nguồn cát khan hiếm đang là khó khăn lớn khi thực hiện dự án.

Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho thấy sau hơn nửa năm khởi công, khối lượng cát được nhà thầu huy động đến công trường Vành đai 3 mới đạt khoảng 0,4/9,3 triệu m3 theo yêu cầu, không đáp ứng tiến độ thi công. Đến nay, chỉ Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang thống nhất tham mưu chính quyền tỉnh hỗ trợ 6,3 triệu m3 cho dự án, song chưa cụ thể các mỏ có thể cung ứng. Phần còn lại chưa xác định được nguồn cung.

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đầu tháng 4 nhằm tháo gỡ nguồn vật liệu cho dự án, TP HCM kiến nghị điều chuyển, chia sẻ một phần cát đắp tại các mỏ đang khai thác ở một số tỉnh miền Tây cho Vành đai 3. Việc chia sẻ theo hướng dự án nào có tiến độ cấp thiết, nhu cầu tới trước thì cung cấp vật liệu trước. Phương án này giúp việc triển khai các công trình đồng bộ theo từng giai đoạn. Ngoài ra, thành phố kiến nghị rút ngắn thủ tục gia hạn, cấp phép lại một số mỏ để sớm có nguồn vật liệu cho các dự án.

Để giải quyết khó khăn cho công trình, Phó Thủ tướng giao các bộ ngành và địa phương liên quan rà soát khả năng cung ứng cát theo mốc tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 3 theo từng tháng, quý. Việc này sẽ giúp chủ động tính toán nâng công suất khai thác các mỏ, hoặc bổ sung mỏ mới để đáp ứng yêu cầu tiến độ các công trình.

Hướng tuyến Vành đai 3 TP HCM

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu lập tổ công tác liên ngành, vận dụng cơ chế gia hạn, cấp lại, nâng công suất khai thác các mỏ phục vụ Vành đai 3 theo cơ chế đã được Quốc hội cho phép. Các bộ ngành cũng cần sớm công bố kết quả thí điểm cát biển làm vật liệu san lấp và hướng dẫn địa phương thủ tục cấp phép; đơn giá khai thác cát biển; phương án nhập khẩu vật liệu xây dựng...

Thiếu vật liệu đắp nền (cát, đất) đang là tình trạng phổ biến ở nhiều công trình giao thông phía Nam. Theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2025 ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền gần 77 triệu m3, trong đó cát đắp khoảng 70 triệu m3. Đến nay, tổng khối lượng cát đã xác định nguồn cung gần 43 triệu m3, nhưng công suất khai thác chưa đáp ứng tiến độ thi công. Với phần còn lại khoảng 27 triệu m3 hiện chưa xác định được nguồn.

Trong lúc chờ nghiên cứu nguồn vật liệu khác thay thế, Hiệp hội bất động sản TP HCM trước đó cho biết phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác một năm. Hiệp hội đề xuất TP HCM là đầu mối làm các thủ tục và giao một doanh nghiệp phía Nam ký hợp đồng để phân phối cho các dự án. Theo Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét, nếu khả thi đây sẽ là nguồn cung lớn.

 

Nguồn: https://vnexpress.net