Thông tin về giá nhà chung cư tại địa bàn Thủ đô Hà Nội tăng kỷ lục trong quý I/2024 đang được đông đảo người dân quan tâm

17.04.2024 - Thông tin về giá nhà chung cư tại địa bàn Thủ đô Hà Nội tăng kỷ lục trong quý I/2024 đang được đông đảo người dân quan tâm. Bởi những chỉ số tăng giá không chỉ nằm trên báo cáo khảo sát thị trường từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp, mà còn được thể hiện bằng các giao dịch thực tế. Dư luận nghi vấn có chiêu trò “thổi giá" trên thị trường, đồng thời đặt ra vấn đề cần sớm có sự can thiệp từ cơ quan quản lý Nhà nước, để tránh làm thị trường bị nhiễu loạn.

 

 Tăng khó hiểu !

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có khảo sát thực tế về tình hình giao dịch và giá bán căn hộ chung cư tại một số quận nội đô TP Hà Nội. Anh Nguyễn Minh - một môi giới nhà đất khu vực quận Hoàng Mai cho biết, thời điểm trước Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, giá một căn hộ rộng gần 60m2 có 2 phòng ngủ tại khu đô thị Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) được rao bán khoảng 1,3 - 1,4 tỷ đồng/căn, đến thời điểm này đang tăng lên trên 1,7 tỷ đồng/căn (tăng trên 20%).

“Cách đây gần 10 ngày, tôi có giúp khách hàng chốt 1 căn hộ tại khu đô thị Đồng Tàu, diện tích 60m2 với giá 1,7 tỷ đồng, mặc dù đây là khu chung cư cũ nhưng giá bán đã tăng trên 300 triệu đồng/căn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Nhưng khi chuẩn bị đi công chứng để sang tên thì chủ nhà bất ngờ trả lại tiền đặt cọc không bán nữa, tìm hiểu nguyên nhân được biết do chủ nhà thấy giá chung cư đang tăng mạnh, nên đã quyết định giữ lại nhà chờ đợt tăng tiếp theo” - anh Nguyễn Minh cho hay.

Số liệu khảo sát thị trường từ kênh thông tin batdongsan.com.vn cũng cho thấy, kết thúc quý I/2024 giá chung cư ở hầu hết các quận nội đô Hà Nội đều ghi nhận mức tăng từ 20 - 33% so với thời điểm cuối năm 2023.

Cụ thể, tại dự án Royal City, The Pride, Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà - Sudico, Sun Grand City tăng đến 33%; giá căn hộ chung cư ở dự án Mipec Rubik 360 và Vinhomes West Point tăng 28%; dự án Đại Thanh tăng 27%; dự án Seasons Avenue tăng 26%...

Ngoài ra, kênh thông tin này cũng đưa ra một dữ liệu quan trọng về nhu cầu căn hộ chung cư ở địa bàn Thủ đô, theo đó số lượng người tìm mua cao hơn trên 5% so với nguồn cung.

Trong khi đó, báo cáo tình hình thị trường bất động sản (BĐS) quý I/2024 từ Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong quý nguồn cung mới sản phẩm căn hộ chung cư trên địa bàn cả nước chỉ có 4.300 sản phẩm, số lượng quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế trên thị trường.

“Thời gian gần đây, thị trường chung cư tại các đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội ghi nhận giá bán tăng cao. Điều này xuất phát từ việc nguồn cung tiếp tục bị thu hẹp, trong khi đó tiến trình đô thị hóa nhanh kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng đột biến, nhưng quỹ đất thì ngày càng hạn hẹp;

Bên cạnh đó là tác động tích cực từ việc nâng cấp hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng cũng khiến cho giá chung cư tăng nhanh và thiết lập vùng giá mới” - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Bình phân tích.

 

 Cần bàn tay điều tiết từ cơ quan chức năng

Không phủ nhận những yếu tố thị trường (thiếu nguồn cung, quỹ đất hạn hẹp, hạ tầng kỹ thuật - xã hội được nâng cấp, đầu tư mới...) đang góp phần chủ đạo đẩy giá BĐS nói chung, nhà chung cư nói riêng tại địa bàn Thủ đô Hà Nội tăng cao thời gian gần đây.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhu cầu mua nhà ở hiện nay là có thật, nguồn cung mới nhà ở bị khan hiếm là có thật, nhưng việc giá nhà chung cư tăng một cách “chóng mặt” là không hợp lý.

“Phân khúc căn hộ chung cư tại Thủ đô Hà Nội đã ghi nhận tăng giá 20 quý liên tiếp, nhưng chỉ tăng từ 5 - 7%; còn tăng ở mức từ 20% đến trên 30% là không có căn cứ. Trước tình trạng nêu trên, Hiệp hội đã tổ chức khảo sát lại một cách kỹ lưỡng, nhận thấy giá đã được đẩy cao một cách “chóng mặt” nhưng giao dịch thực tế thì gần như không có sự gia tăng đột biến so với các quý trước, thậm chí còn thấp hơn” - TS Nguyễn Văn Đính cho hay.

Như vậy, có thể khẳng định giá căn hộ chung cư bao gồm cả chung cư mới, chung cư cũ, căn hộ tái định cư tăng đột biến thời gian gần đây, là do sự tham gia “tích cực” của một số nhóm môi giới BĐS, thậm chí bao gồm cả những sàn giao dịch BĐS để gia tăng lợi nhuận.

Qua tìm hiểu của phóng viên, chiêu trò sẽ được các nhóm môi giới hoặc sàn giao dịch thực hiện bằng hình thức nhận bán nhà, sau đó bỏ tiền “ôm” một số sản phẩm lân cận.

Tiếp theo, khách mua sẽ được giới thiệu đến căn hộ môi giới nhận ký gửi, thống nhất xong về giá theo thỏa thuận giữa các bên để chờ ngày công chứng; lúc này “quân xanh” sẽ bủa vây chèo kéo chủ nhà với mức cao hơn một vài giá.

Theo tâm lý, chủ nhà sẽ trả cọc để điều chỉnh tăng và khách hàng sẽ được môi giới đưa sang căn hộ (vốn dĩ là do những người này bỏ tiền ra mua trước đó) với giá thấp hơn 1 chút so với mức tăng mới của chủ nhà vừa hủy cọc; và cũng từ tâm lý được mua rẻ hơn, nên nhiều khách hàng đã nhanh chóng xuống tiền. Với cách làm như vậy, giá chung cư đã được tăng lên một cách dễ dàng.

“Các dự án luật (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai) với nhiều quy định siết chặt hoạt động kinh doanh, môi giới BĐS. Mặc dù đã được Quốc hội thông qua nhưng đến nay chưa có hiệu lực thi hành, nên tôi cho rằng trong giai đoạn này một số môi giới, DN kinh doanh BĐS đang cố tận dụng nốt khoảng thời gian chờ chuyển giao để thực hiện một vài phi vụ.

Bởi vậy, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng có biện pháp kịp thời để điều tiết thị trường, tránh để xảy ra những hệ lụy xấu như các đợt “sốt” đất nền thời điểm 2021 - 2022” - Luật sư Hoàng Văn Đạo, Hội Luật gia Việt Nam kiến nghị.

Đánh giá một cách khách quan, nhà ở nói chung và căn hộ chung cư nói riêng tại các đô thị lớn tăng giá được xem là tất yếu, bởi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cùng với việc cơ cấu dân số có sự chuyển dịch mạnh mẽ về các đô thị để sinh sống, làm việc.

Ngoài ra, nếu nhìn nhận vào tình hình thực tế, mặc dù nền kinh tế trong năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, nhưng dự báo khả năng huy động nguồn lực, vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng trên 6%, tăng trưởng tín dụng đạt 14 - 15% là hoàn toàn khả thi, sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu dùng của người dân, kéo theo giá bán nhà cũng tăng.

“Nhưng việc nhà ở tăng giá một cách bất thường như thế cho thấy tính minh bạch của thị trường vẫn còn hạn chế, phía các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có sự can thiệp kịp thời để triệt tiêu những hành vi gây ra nguy cơ làm tổn hại thị trường" - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam TS Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

 

Nguồn: kinhtedothi.vn