5 năm thần tốc của xuất nhập khẩu Việt Nam

01.01.2020 - Giai đoạn 2015-2019, xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 2.100 tỷ đồng, cao hơn cả giá trị 15 năm trước cộng lại.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vừa lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD và ước đạt 517 tỷ USD cả năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 263,5 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2018 còn nhập khẩu kiểm soát tốt - khoảng 253,5 tỷ USD. Nhờ vậy, thặng dư thương mại đạt khoảng 10 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2001, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chỉ hơn 30 tỷ USD. Cột mốc 100 tỷ USD được Việt Nam chinh phục năm 2007 sau khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đến năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi – đạt mốc 200 tỷ USD. 4 năm sau, Việt Nam tiếp tục đạt kim ngạch thương mại 300 tỷ USD. Sau một thời gian rất ngắn – chỉ sau 2 năm, xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục cán mốc 400 tỷ USD vào tháng 12/2017.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2010 - 2019. Đồ họa: Tiến Thành

Như vậy, gần 20 năm qua (giai đoạn 2000-2019), tổng giá trị xuất nhập khẩu  đạt gần 4.000 tỷ USD. Trong đó, riêng giai đoạn năm 2015 – 2019, Việt Nam đạt tổng kim ngạch thương mại hơn 2.100 tỷ đồng. Con số này cao hơn 15 năm về trước (giai đoạn 2000 – 2014) cộng lại.

Nhờ đó, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam trên bảng xếp hạng của WTO cũng tăng rõ rệt. Năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 50 thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu. Đến năm 2018, Việt Nam đã lên xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Thái Lan về xuất nhập khẩu.

2019 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam đạt thặng dư thương mại. Từ năm 2011 trở về trước, cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam luôn thâm hụt, kéo dài liên tục nhập siêu hàng tỷ USD. Đỉnh điểm năm 2008, Việt Nam nhập siêu hơn 18 tỷ USD. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay (trừ năm 2015), cán cân thương mại đã đổi chiều.

Số lượng mặt hàng xuất khẩu từ một tỷ USD tăng lên 32, gấp rưỡi năm 2011. Trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, 6 mặt hàng trên 10 tỷ USD. Nhật Bản, Mỹ, EU, ASEAN... vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm qua.

Việt Nam đã xuất siêu vào thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Mỹ 46,4 tỷ USD, EU gần 27 tỷ USD. Sau một năm CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các nước khu vực này đã tăng đáng kể, ví dụ Canada đạt gần 4 tỷ USD, Mexico xấp xỉ 3 tỷ USD...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, không đơn giản để Việt Nam đạt cột mốc xuất nhập khẩu 500 tỷ USD năm nay khi thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, chiến tranh thương mại diễn ra ở nhiều quốc gia. Từ một quốc gia thiếu ăn, bao cấp..., Việt Nam hiện đã trở thành một nước xuất khẩu lớn tầm cỡ thế giới.

Năm 2020, Thủ tướng giao Bộ Công Thương nhiệm vụ để Việt Nam cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD (tăng 14%) và năm thứ 5 liên tiếp xuất siêu. Ông yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho xuất nhập khẩu.

Anh Tú

Nguồn: vnexpress.net