ADB: Đông Nam Á cần 200 tỷ USD cho hạ tầng mỗi năm

18.06.2019 - Các nước Đông Nam Á đang ở nhóm đầu tư kém về hạ tầng và cần nâng mức chi tiêu, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Nhà ga trên metro số 1, TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Bà Cleo Kawawaki, Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của ADB, cho biết kinh phí cần cho hạ tầng tại khu vực sẽ dần tăng và đạt tổng 3.000 tỷ USD (70,17 triệu tỷ đồng) trong vòng 10 năm tới.

Tuy nhiên, các nước chỉ đang đầu tư 1/3 mức này. Thống kê của ADB cho thấy bảy nước Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đầu tư 55 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng năm 2015, trong khi kinh phí cần thiết, tính cả tác động của biến đổi khí hậu, là 157 tỷ USD.

Ông Rana Hasan, Giám đốc phụ trách hợp tác vùng và nghiên cứu kinh tế của ADB, phát biểu: "Có thể xem ASEAN là một nhà đầu tư hạ tầng yếu."

Theo ADB, từ năm 2009 đến 2015, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á vượt mức đầu tư bền vững cho hạ tầng là 5% GDP. Mức đầu tư của Việt Nam là 5,6% GDP, các nước còn lại đầu tư từ 1,64% GDP (Thái Lan) đến 2,64% (Indonesia).

Tỷ lệ đầu tư vào hạ tầng ở châu Á. Nguồn: ADB.

Ông Hasan cho biết hợp tác công tư (PPP) là mô hình đầu tư hạ tầng hiệu quả. Do đó các nước cần thực hiện cải cách hành chính để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

"Chỉ số hạ tầng có mối liên quan chặt chẽ với GDP trên đầu người. Các nước có chỉ số hạ tầng tốt là các nước tăng trưởng mạnh hơn và giảm đói nghèo tốt hơn," ông Hasan nói tại buổi họp báo tuần trước, do ADB và Đại sứ quán Mỹ tại Manila đồng tổ chức. ADB đo chỉ số hạ tầng dựa trên độ bao phủ của đường sá, sân bay, mạng lưới điện, di động, nước sạch...

Cũng tại dịp này, ADB cho biết sẽ ra mắt gói tài trợ 1,5 triệu USD (35 tỷ đồng) hàng năm trong năm nay cho các giải pháp hạ tầng do các thị trường đề xuất.

Ông Robert Guild, Giám đốc ngành của ADB, cho biết thông thường với các dự án của ngân hàng, họ luôn có sẵn giải pháp và sẽ đề xuất phương thức cho đối tác thực hiện.

Chương trình tài trợ mới sẽ chuyển sự chủ động về cho đối tác. Mỗi năm, ADB sẽ đặt ra ba vấn đề trong một lĩnh vực cụ thể và sẽ lựa chọn các đề xuất tối ưu từ thị trường để hỗ trợ, ông Robert nói.

Ông cho biết ADB vẫn đang hoàn thiện các bước thủ tục cho chương trình. Các vấn đề năm nay sẽ về phát triển năng lượng, bao gồm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền phát điện. Chủ đề năm sau sẽ là giao thông vận tải.

ADB thành lập năm 1966 và là một đối tác phát triển chính của Việt Nam, tham gia cung cấp vốn cho hàng trăm dự án hạ tầng, giáo dục, y tế và nông nghiệp. Năm 2018, ngân hàng cam kết cho vay và tài trợ gần 882 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam.

Vi Vũ

Nguồn: vnexpress.net