Ăn theo siêu dự án, dân đầu tư “đứng ngồi không yên”

25.02.2021 - Vào năm 2019, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô về Đan Phượng (Hà Nội) săn đất khi có thông tin dự án của Vingroup sẽ được xây dựng tại đây. Thế nhưng đến nay siêu dự án của ông lớn Vingroup vẫn chưa có động tĩnh trên thị trường, nhiều nhà đầu tư ôm đất “đứng ngồi không yên”.

Thời điểm đó, theo lời các môi giới, siêu dự án của Vingroup sẽ thuộc địa giới hành chính 4 xã là Tân Hội, Tân Lập, Liên Hà và Liên Trung. Do đó, đất tại những khu vực này trở nên nóng sốt.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, vào năm 2019, ăn theo thông tin siêu dự án, rất nhiều mảnh đất dịch vụ ở Tân Hội giá tăng từ 40-44 triệu đồng/m2 lên mức 55-57 triệu đồng/m2 trong 2 tháng, đất thổ cư sát ngay siêu dự án thuộc Tân Hội giá cũng tăng từ 40-42 triệu đồng/m2 lên mức 47-48 triệu đồng/m2. Đất trong các ngõ to, ô tô tránh nhau, giá cũng tăng từ 18-22 triệu đồng/m2 lên mức 20-25 triệu đồng/m2.

Nhiều nhà đầu tư lao đao khi chạy theo siêu dự án, mua đất nền Đan Phượng. Ảnh minh họa

Không chỉ đất Tân Hội, đất mặt đường 422 Tân Lập, giá cũng tăng từ 48-52 triệu đồng/m2 lên mức 53-56 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu năm. Đất Tân Lập trong các ngõ to thuộc Hạnh Đàn, Bình Minh, giá bán cũng tăng từ 18-21 triệu đồng/m2 lên mức 20-24 triệu đồng/m2. Đất tại Liên Hà, Liên Trung trong ngõ 2 ô tô tránh nhau cũng tăng từ 16-19 triệu đồng/m2 lên mức 18-22 triệu đồng/m2…

Thế nhưng trong khi những cá mập “mua bán” đợt đầu đều “ăn đậm” thì rất nhiều nhà đầu tư “đến sau” cũng ôm đất với mục đích lướt sóng và phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng đều trải qua một năm 2020 “đứng ngồi không yên”. Anh Huấn, một môi giới khu vực này cho biết, rất nhiều nhà đầu tư kì vọng giá tăng mạnh theo siêu dự án để chốt lời, đã mòn mỏi đợi chờ từ 2019 đến hết năm 2020, nhưng đến nay siêu dự án này vẫn chưa mở bán và những nhà đầu tư lướt sóng đã không còn đủ sức cầm cự.  

“Đầu tư theo siêu dự án, dân đầu tư đều xác định lướt sóng nên phần lớn là vay ngân hàng, thế nhưng trong suốt năm 2020, siêu dự án vẫn chưa có động tĩnh khiến những nhà đầu tư vốn ngắn lao đao vì lãi ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư buộc phải rao bán cắt lỗ”, anh Huấn chia sẻ thêm.

Tháng 8/2019, bà Nguyễn Minh Phượng mua đất gần siêu dự án vào thời kỳ đỉnh điểm sốt với mức giá 57 triệu đồng/m2. Bà tin vào lời môi giới và đầu nậu đất là vào đầu năm 2020 khi siêu dự án ra hàng, sẽ bán ra để kiếm lời. Thế nhưng bà đã đợi từ 2019 đến thời điểm hiện tại, siêu dự án vẫn chưa có động tĩnh mới. Trong khi đó, số tiền để mua đất, bà vay ngân hàng phần lớn. Thời kì Covid-19, công việc kinh doanh của bà cũng gặp khó khăn, khoản vay đầu tư mua đất càng trở nên nặng gánh, không chịu được lãi suất ngân hàng, bà rao bán cắt lỗ từ giữa năm 2020 và đến tháng 12/2020 mới bán được với giá 43 triệu đồng/m2. “Tôi mua vào đúng lúc sốt đang trên đỉnh nên mua phải giá cao nên đến khi cắt lỗ, cũng đành cắt lỗ sâu mới bán được”, bà Phượng cho  biết.

Tương tự bà Phượng, ông Phạm Văn Khiêm cũng buộc phải bán cắt lỗ đất gần siêu dự án tại Đan Phượng vào cuối năm 2020 vì không thể gồng gánh được cả gốc và lãi để trả ngân hàng. Nhiều môi giới khuyên ông Khiêm cố gắng tiếp tục chờ đợi vì siêu dự án khởi công chỉ là chuyện sớm muộn. “Tôi không thể đợi thêm vì tiền đầu tư chủ yếu là vay ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con. Đợi chờ thêm càng đẩy tôi lún sâu vào cảnh nợ nần”. Trước Tết, ông Khiêm đã cắt lỗ 5 triệu đồng/m2 so với giá mua trước đó là 47 triệu đồng/m2 để thu tiền về.

Trao đổi với PV, anh Huấn môi giới nhận định dự án khởi công hay mở bán chỉ là chuyện sớm muộn. Những nhà đầu tư lao đao đều là những nhà đầu tư vốn mỏng, đầu tư theo đám đông, tin đồn nên không trụ được khi thị trường không thuận lợi như dự tính. Cũng theo anh Huấn, những nhà đầu tư trường vốn vẫn đang găm hàng chờ thời.

Nguồn: batdongsan.com.vn