Sổ giả lừa tiền thật
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất còn được gọi bằng cái tên thông thường là “sổ đỏ”. Đây được xem là một trong những loại giấy tờ quan trọng, liên quan đến sở hữu tài sản của người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước, các đối tượng đã liều lĩnh làm giả các sổ đỏ nhằm trục lợi, để lại hậu quả nặng nề cho nhiều nạn nhân.
Ngày 13/8/2019, Công an quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Nga, trú tại địa phương do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, khi biết bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, trú quận Hải Châu, có nguồn tiền nhàn rỗi, Nga nảy sinh ý định làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thế chấp vay tiền. Thực hiện kế hoạch, Nga tìm và đặt mua trên mạng một sổ đỏ giả đứng tên mình với diện tích đất 100m2, ở khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, với giá 20 triệu đồng.
Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, Nga đã dùng để thế chấp với bà Nguyễn Thị Thanh Huyền vay số tiền gần 600 triệu đồng. Một thời gian sau, do không có tiền để trả nên bà Huyền buộc Nga phải chuyển nhượng lô đất đang cầm cố để thanh toán. Nguyễn Thị Nga cùng nạn nhân đến Phòng Công chứng Phước Nhân, nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ để ký hợp đồng chuyển nhượng. Tại đây, các công chứng viên phát hiện sổ đỏ đứng tên Nguyễn Thị Nga là giả nên báo cơ quan công an.
Nên cẩn trọng khi tiến hành các giao dịch liên quan đến bất động sản
Theo các công chứng viên của Phòng Công chứng Phước Nhân, sổ đỏ trên được làm giả rất tinh vi, từ mã vạch sổ, chữ của số vào sổ đến chữ ký, con dấu của cơ quan chức năng. Cụ thể, nội dung trong sổ thể hiện diện tích lô đất rộng 100m2, thửa đất 92, tờ bản đồ B1-18, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Trên sổ cũng thể hiện chữ ký của ông Nguyễn Quang Vinh - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, cấp ngày 4/8/2018... Tuy nhiên, ngay sau đó ông Nguyễn Quang Vinh đã xác nhận chữ ký trên sổ đỏ là giả. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự việc để xử lý nghiêm đối tượng đã có hành vi làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan nhà nước cũng như chữ ký của bản thân ông để trục lợi.
Trước đó, tại Phòng Công chứng Phước Nhân cũng xuất hiện tình trạng đi công chứng... sổ đỏ giả. Bà Mai Thị Nhân, Trưởng Phòng Công chứng Phước Nhân cho biết, đây không phải là lần đầu văn phòng phát hiện sổ đỏ giả mang đến phòng công chứng để ký chuyển nhượng. Trước đó, cũng có một người đàn ông đến công chứng sang tên sổ đỏ. Nhưng, khi các công chứng viên phát hiện đây là giấy tờ giả, anh ta liền lấy lại giấy tờ, rồi lập tức rời khỏi phòng công chứng...
Cẩn trọng khi giao dịch
Không chỉ riêng ở TP. Đà Nẵng, thời gian gần đây tại các địa phương trong cả nước, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến sử dụng sổ đỏ giả để lừa đảo. Điểm chung là những sổ đỏ giả bị phát hiện được đối tượng làm rất tinh vi. Nếu không có nghiệp vụ thì rất khó để phát hiện.
Thủ đoạn chung của các đối tượng làm sổ đỏ giả là lấy thông tin trên giấy tờ thật của nạn nhân rồi về làm nội dung trên giấy giả, hoặc sao chụp sổ thật rồi scan trên các thiết bị hiện đại. Với kỹ thuật in ấn hiện đại như hiện nay, công nghệ làm sổ đỏ giả rất tinh vi nên mắt thường không thể phát hiện được. Cũng có trường hợp các đối tượng lừa đảo thường dùng là đóng giả “cò đất”, hoặc người mua nhà, mua đất. Khi đó, các đối tượng này sẽ xin chủ nhà cho xem sổ đỏ, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Sau khi lấy được các thông tin trên, các đối tượng lừa đảo sẽ về làm giả sổ đỏ.
Vấn nạn sổ đỏ giả sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho các nạn nhân. Theo đó, khi có được “con mồi”, với sổ đỏ giả các đối tượng sẽ yêu cầu người mua phải đặt cọc tiền càng nhiều, càng tốt. Chỉ đến khi ra công chứng nhiều nạn nhân mới biết mình bị lừa. Đến lúc này, việc lấy lại tiền là rất khó khăn. Bên cạnh đó, các đối tượng còn dùng các sổ đỏ giả để thế chấp, rồi vay mượn của các nạn nhân với số tiền lớn... Đấu tranh với vấn nạn này, các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng cũng đang triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, Sở Tư pháp thành phố tham mưu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng. Trong đó, có kết nối chia sẻ dữ liệu với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai ở các quận, huyện cũng như các cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, hiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương đã thực hiện đạt hơn 80% khối lượng công việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng và công nghệ thông tin; Đồng thời, đưa vào hoạt động thử nghiệm Cổng thông tin đất đai TP. Đà Nẵng tại website http://ttdd.tnmt.danang.gov.vn. Với website sẽ góp phần giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về đất đai, tránh được các trường hợp giả mạo về sổ đỏ.
Cơ quan công an ở địa phương cũng cảnh báo, người dân, các nhà đầu tư giao dịch bất động sản cần nêu cao cảnh giác với hình thức tội phạm mới này để tránh sập bẫy lừa. Tránh việc phát hiện quá muộn khi các giao dịch đã hoàn thành, nạn nhân rơi vào tình trạng tiền mất, nhận tài sản ảo. Cụ thể, người dân khi thực hiện mua bán nhà đất nên nộp hồ sơ mua bán tại các cơ quan có thẩm quyền để xác minh hiện trạng nhà đất, tính chính xác của giấy chứng nhận trước khi giao tiền, hạn chế rủi ro khi giao dịch.
Cẩn trọng hơn, người mua nên yêu cầu bên bán cho xem bản chính sổ đỏ và xin bản pho to. Sau đó, trực tiếp đến các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai để xác minh tình trạng nhà đất, thông tin về quy hoạch, nhân thân của chủ đất đối với diện tích đất chuẩn bị giao dịch. Khi nghi vấn, phát hiện sổ đỏ giả, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, để điều tra xử lý hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Nghi Lộc
(Theo Thời báo ngân hàng)