Báo cáo Thủ tướng về một số bất cập của loại hình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch và văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bất động sản; sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai, việc chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản và hoàn thiện các quy định quản lý, vận hành các tòa nhà hỗn hợp. Ngoài ra, cơ quan này còn đề nghị thanh tra các địa phương phát triển nhiều loại hình bất động sản trên.
Một góc dự án Cocobay - cú sốc với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cuối năm 2019. Ảnh: Công ty Thành Đô.
"Các Bộ cho rằng đã đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và văn phòng kết hợp lưu trú. Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư, xây dựng, quản lý loại hình bất động sản trên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các văn bản pháp luật đã có chưa giải quyết được", Bộ Công an nêu quan điểm.
Theo bộ này, hiện chưa xác định rõ đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quy định quản lý chưa cụ thể dẫn tới phức tạp rủi ro cho người mua.
Việc chưa rõ ràng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản cho chủ đầu tư dự án hay người mua căn hộ ảnh hưởng tới việc thế chấp vay vốn ngân hàng, nguy cơ mất an toàn tín dụng "do hầu hết dự án condotel đều được chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn".
Nếu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho từng căn hộ sẽ phát sinh việc thế chấp quyền sở hữu tài sản tại các ngân hàng khác nhau, dẫn đến một tài sản được đảm bảo nhiều lần tại nhiều ngân hàng. Ngoài ra, việc chuyển đổi thành nhà ở gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cho biết nhiều địa phương không quản lý được hoặc buông lỏng dẫn tới nhiều trường hợp chủ đầu tư mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện, gây rủi ro cho người mua.
Quy định quản lý tòa nhà hỗn hợp vừa căn hộ nhà ở, vừa condotel theo Bộ Công an là thiếu chặt chẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn. Ví dụ tại dự án Our City (Hải Phòng), Bộ này đã bắt giữ 395 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc quy mô lớn hay tại dự án Tổ hợp khách sạn chung cư cao cấp Oceanus Mường Thanh Viễn Triều (Nha Trang), hoạt động của cư dân và khách thuê diễn ra phức tạp, ảnh hưởng an ninh trật tự.
Theo số liệu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có 82.902 condotel, 28.099 biệt thự du lịch, 12.617 phòng khách sạn, 15.663 căn shophouse, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang... Ngoài ra, Hà Nội và TP HCM hiện có hơn 10.000 officetel.
Phân khúc bất động sản này cuối năm 2019 đón cú sốc lớn khi chủ đầu tư dự án Cocobay (Đà Nẵng) chấm dứt trả lợi nhuận cam kết 12% với người mua vì khó khăn tài chính. Trước đó, một dự án condotel khác tại Nha Trang là Bavico từng phải đàm phán để giảm mức cam kết lợi nhuận từ 15% một năm xuống còn 8%. Tuy nhiên, sau đó, việc chi trả của chủ đầu tư này cũng không được thực hiện. Thực tế này dấy lên nghi ngại sẽ xảy ra "cơn khủng hoảng condotel".
Riêng với trường hợp Cocobay, việc chuyển đổi công năng condotel sang dự án nhà ở là một trong những lựa chọn. Khách hàng sẽ phải mất thêm phí chuyển đổi là 15% giá mua căn hộ theo hợp đồng đã ký. Sau khi hoàn tất thủ tục này, chủ sở hữu có thể giao lại cho đơn vị thuộc Công ty Thành Đô vận hành, chia sẻ lợi nhuận.
Đại diện Empire Group cho biết hai nguyên nhân chính khiến dự án không thể thực hiện cam kết với khách hàng. Một là về vấn đề pháp lý của condotel hiện không rõ ràng, trong khi đó khách hàng gây sức ép với chủ đầu tư về việc thực hiện cam kết sổ đỏ - sổ hồng. Thứ hai là việc vận hành khai thác tình hình thực tế của thị trường cho thấy kết quả 2 năm đầu đều lỗ, còn sau đó có lãi chỉ 5-6% mỗi năm.
Minh Sơn
Nguồn: vnexpress.net