Tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng để thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết trước đây với nhà đầu tư.
Khoản tiền này được lấy từ nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tại kỳ họp tháng 11/2018, Quốc hội đã có nghị quyết vể sử dụng nguồn vốn ngân sách 10.000 tỷ đồng bố trí cho các dự án gia cố đê xung yếu, sạt lở bờ sông, phòng tránh thiên tai và thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xây dựng danh mục các dự án, báo cáo Quốc hội xem xét.
Năm 2002, dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Chính phủ chủ trương xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Xuân Hoa. |
Để đầu tư theo hình thức PPP, nhà nước phải tham gia từ 30-50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do nhà đầu tư (Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - Vidifi) lo và hoàn vốn đầu tư bằng thu phí. Như vậy, với tổng mức đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 44.818 tỷ đồng, Nhà nước cần tham gia vốn khoảng 13.000 đến 22.000 tỷ đồng.
Thời điểm đó, do ngân sách khó khăn nên dự án được đầu tư theo cơ chế thí điểm. Phần tham gia vốn Nhà nước vào dự án được trả dần bằng ngân sách và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.
Tại dự án này, Chính phủ đã quyết định bố trí thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng, trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD thời gian từ 13-30 năm). Ngoài ra, Chính phủ đã cho phép Vidifi được sử dụng 4.723 tỷ đồng tiền sử dụng đất của khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn cho dự án. Đồng thời, doanh nghiệp này được hợp tác với đối tác để triển khai dự án khu đô thị để nhận tiền sử dụng đất.
Sau hơn 10 năm, chủ đầu tư chưa nhận được hơn 4.000 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng cũng như hơn 4.700 tỷ đồng tiền sử dụng đất từ khu đô thị Gia Lâm.
Theo báo cáo của Vidifi, sau 3 năm đi vào hoạt động, lưu lượng xe trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bình quân trên 27.000 xe mỗi ngày, đảm bảo phương án tài chính của dự án là khả thi. Tuy nhiên, do số tiền giải phóng mặt bằng chậm được thanh toán khiến chủ đầu tư khó khăn, tính đến cuối năm 2018, chi phí lãi vay phát sinh do các khoản nợ của Nhà nước ước trên 800 tỷ đồng.
"Do doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất 10% một năm cho các khoản chưa được cấp nên nếu tiếp tục chậm sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án, dẫn đến hệ lụy như doanh nghiệp phá sản, không trả được các khoản nợ vay nước ngoài", văn bản của Vidifi nêu.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5 - 11,4% trong 30 năm.