Tương tự, tại địa bàn quận 2, chính quyền cũng đành phải cho chủ đầu tư chuyển bán thương mại một phần tại các dự án tái định cư trong giai đoạn người dân chưa vào ở để phục hồi vốn. Liên quan đến lần chuyển đổi mục đích nhà tái định cư sang nhà ở thương mại này, một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP khẳng định có sự tham gia giám sát của nhiều đơn vị và được tổ chức đấu thầu công khai.
"Khu tái định cư tại quận 2 được đầu tư theo phương thức nhà nước huy động vốn của doanh nghiệp thực hiện, sau đó sẽ thanh toán bằng quỹ đất ở khu vực khác cho chủ đầu tư. Số tiền bán ra được giám sát chặt và phải sớm chuyển đổi như thế để tránh xuống cấp", vị lãnh đạo Sở Xây dựng nói trên cho biết.
Người dân tái định cư thiệt thòi
Ở góc độ khác, luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn Luật sư Tp.HCM, nhìn nhận: "Việc bán đấu giá các căn tái định cư với giá hiện tại có thể nhà nước chỉ hưởng phần đóng thuế, phần này không nhiều. Trong khi đó, các chủ đầu tư mới là người hưởng lợi lớn. Giá suất tái định cư chắc chắn đã được nhà nước áp sẵn, khi chuyển sang nhà ở thương mại tôi cho rằng người dân đã thiệt hại. Chưa kể, bản chất của nhà tái định cư là chất lượng sẽ không bằng nhà thương mại".
"Đó cũng là bài toán con gà và quả trứng trong việc thanh toán tiền giải tỏa cho dân hay xây nhà tái định cư tại chỗ để bán mà nhà nước cần cân nhắc. Chủ đầu tư các dự án này chắc phải hưởng lợi thì mới làm. Việc thông qua cách tính thuế, các nội dung bên trong cần rõ ràng, minh bạch, tránh để một bên hưởng lợi còn dân và nhà nước thiệt thòi", ông Tín phân tích thêm.
Vừa mới đây, UBND Tp.HCM công bố kết luận về sai phạm của hàng loạt cán bộ liên quan đến những khuất tất trong việc "hô biến" đất tái định cư thành đất thương mại tại địa bàn quận 8. Cụ thể, năm 2005, chính quyền địa phương đã không đầu tư khu nhà ở chung cư phục vụ chương trình chỉnh trang đô thị và một phần phục vụ tái định cư mà chuyển sang đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng. Các hộ dân bị giải tỏa buộc phải vào ở trong chung cư Tân Mỹ (quận 7) và chung cư An Sương (quận 12). Trong số những hộ dân chuyển từ quận 8 đến tái định cư ở chung cư Tân Mỹ, chỉ có 20% có công việc mới và dần thích nghi cuộc sống cao tầng. Số hộ dân còn lại do bố trí xa nơi ở, không có đất để sản xuất lại không thể hoạt động ngành nghề như trước đây nên rất nhiều người đành bán căn hộ rồi dựng chòi ở huyện Nhà Bè, quận 9 và ven các kênh rạch ở quận 8 để mưu sinh.
Chỗ thừa, chỗ thiếu Theo chuyên gia đô thị Võ Ngọc Nhân, hiện đang còn rất nhiều quỹ nhà, đất dành cho tái định cư, thậm chí không ít nơi còn đang lâm vào cảnh "khủng hoảng" thừa, tiêu biểu như các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và quận 2. Vậy nhưng, thực tế vẫn có nơi thiếu trầm trọng nhà ở tái định cư, trong đó có các quận: 1, 8, 4 và 5. Nguyên nhân người dân chê nhà tái định cư chủ yếu là do có vị trí không phù hợp công việc lao động chân tay như nơi trước kia họ đã gắn bó. Trong khi đó, các căn tái định cư có diện tích quá nhỏ so với số lượng người ở nhiều thế hệ; hơn nữa cũng chưa tương xứng với mức bồi thường giá trị vị trí, căn nhà bị giải tỏa. "Nếu chính quyền nhìn thấy những nhu cầu đó của người dân thì chắc chắn việc giải tỏa và bố trí nơi mới sẽ không gây lãng phí như hiện tại", ông Võ Ngọc Nhân đánh giá. |