Có nên nới rộng tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản?

13.01.2021 - Tỷ trọng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong đầu năm 2020. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước hoàn toàn có thể nới rộng nguồn vốn vay cho lĩnh vực BĐS để giúp thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ tín dụng với toàn nền kinh tế là 8,3 triệu tỷ đồng, riêng đối với lĩnh vực BĐS vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng BĐS.

Dư nợ tín dụng BĐS ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trên thế giới.

Một thống kê khác của Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, bình quân dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong đầu năm 2020.
Cơ cấu dư nợ BĐS cũng có thay đổi theo từng giai đoạn: Cho vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm tỷ lệ 38,9%; các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê chiếm tỷ lệ 7,2%; các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ 3,9%; các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ 4%; các dự án nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ lệ 9,7%; cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ 9,1%; cho BĐS khác chiếm 27,3%.
Kinh doanh BĐS luôn là một trong những lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài (đứng thứ 2 trên tổng số 17 lĩnh vực về thu hút đầu tư nước ngoài, sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo), đạt khoảng 17,63 tỷ USD.
“Cả nước đã có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS, tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010; có hơn 1.000 sàn giao dịch BĐS; đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá, quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS cho khoảng 100.000 người, trong đó có 50.000 nhân viên môi giới, 25.000 nhân viên định giá và 25.000 người quản lý sàn giao dịch BĐS” – Chánh văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho hay.
Ở khía cạnh khác, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, hiện nay, tổng dư nợ tín dụng BĐS chiếm trên 19% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, được đánh giá ở mức an toàn. Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ tín dụng BĐS ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực châu Á.
“Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng, Nhà nước có thể nới rộng thêm một chút nữa về tỷ lệ dư nợ tín dụng cho lĩnh vực BĐS, để giúp cho thị trường phục hồi và vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện nay” – TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.

Nguồn:kinhtedothi.vn