Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Theo đó, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về hình thức thanh toán cho nhà đầu tư, dù dự thảo Nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT được Bộ Tài chính chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần.
Cách đây 3 tháng, trong văn bản truyền ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Chính phủ từng yêu cầu các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, chỉnh sửa dự thảo Nghị định để ban hành trong tháng 4. Như vậy, trước những quan điểm "còn rất khác nhau", bản dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT chưa thể ban hành.
Một tuyến đường đầu tư theo hình thức BT. Ảnh: Bá Đô |
Vì thế, Phó thủ tướng một lần nữa giao Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo, trong đó bổ sung thêm hình thức thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Quy trình thanh toán thực hiện theo quy định về đầu tư công, ngân sách Nhà nước... Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên & môi trường khẩn trương có ý kiến bằng văn bản để cơ quan soạn thảo Nghị định - Bộ Tài chính tổng hợp.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao nghiên cứu các quy định liên quan, nghiên cứu quy định hình thức đấu thầu đồng thời dự án BT kết hợp với xác định giá trị tài sản công (bao gồm quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư.
Do vướng mắc trong thực hiện, năm ngoái Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương dừng thanh toán dự án "đổi đất lấy hạ tầng". Tới đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160 gỡ vướng cho các dự án này, theo hướng các hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018, nếu nội dung hợp đồng sau rà soát của các bộ, ngành đảm bảo quy định pháp luật về đất đai, đầu tư... sẽ tiếp tục được thanh toán. Ngược lại, các bên sẽ đàm phán điều chỉnh nếu nội dung hợp đồng BT không phù hợp quy định của luật. Còn các dự án BT đã hoàn thành chọn nhà đầu tư trước ngày nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa ký hợp đồng BT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, ký kết hợp đồng trên cơ sở đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Việc dừng thanh toán dự án BT khiến nhiều tỉnh, thành phố bị phạt hợp đồng, như trường hợp TP Hải Phòng, tương ứng mức lãi 7,8% một năm. Trong khi đó nhà đầu tư dự án BT gặp khó khăn khi dự án làm xong nhưng "tồn" hàng nghìn tỷ không được thanh toán.
Anh Minh
Nguồn: vnexpress.net