Nhằm bình ổn thị trường, hạn chế đầu cơ, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ thực hiện nghiên cứu việc bổ sung chính sách thuế theo hướng đề xuất, Chính phủ là cơ quan có quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản khi xuất hiện biến động lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất trên của Bộ Xây dựng là chưa thực sự thuyết phục. Theo ông Nguyễn Văn Đực, đại diện Công ty địa ốc Xanh, cách đánh thuế này chỉ làm khó cho người mua sau cùng, tạo thêm áp lực, bất bình đẳng cho người nghèo.
Quản lý địa ốc Xanh cho rằng, cách này chỉ giải quyết được vấn đề từ ngọn, thậm chí là vi hiến, khó có thể giúp thị trường phát triển bền vững. Theo ông, cách tốt nhất để ngăn chặn sốt đất và chống nạn đầu cơ là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, minh bạch các thông tin quy hoạch, phải có phương pháp cũng như hệ thống dữ liệu nghiên cứu thị trường một cách khoa học, bài bản, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin đầy đủ.
Cùng chung quan điểm không đồng tình với đề xuất trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, luật pháp được ban hành cần phải áp dụng trên bình diện quốc gia và cần phải đảm bảo tính bình đẳng đối với mọi tầng lớp nhân dân, mọi vùng miền trên cùng một lãnh thổ khi đưa ra một sắc thuế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất tăng thuế mua bán bất động sản đối với nơi xảy ra sốt ảo
là chưa phù hợp. Trong ảnh là thông báo rao bán đất nền treo trên đường quốc lộ. Ảnh: Vũ Lê
Còn theo các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), khái niệm sốt đất hiện nay đang bị đánh giá một cách cảm tính.
Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, các căn cứ để làm quy chuẩn cho việc như thế nào gọi là sốt đất hiện vẫn chưa được cơ quan quản lý đưa ra cụ thể, cùng với đó, dữ liệu thống kê cập nhật sát tình hình diễn biến thị trường cũng còn thiếu.
Cùng ý kiến, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, con số chuẩn hóa dữ liệu sốt đất hiện nay chưa hề có, có chăng chỉ là những con số thống kê sơ bộ, lẻ tẻ. Thậm chí, giá đất tại nhiều tỉnh thành bị xem là vùng sâu, xa tăng tới 30-50 % chỉ trong nửa năm nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng cảnh báo là xảy ra sốt đất.
Vị Tổng Giám đốc nói: "Ngay cả khái niệm sốt đất, sốt ảo còn bị cơ quan quản lý đánh giá cảm tính, thiếu cơ sở dữ liệu, thì nghiên cứu, đề xuất một sắc thuế áp dụng nơi diễn ra sốt đất có thể gây thêm rối loạn" và phân tích thêm, việc đánh thuế theo vùng đang cảm nhận sốt là điều không nên vì nó không thực sự rõ ràng, thêm vào đó, cũng chưa có một dữ liệu thống kê bài bản theo chuẩn quốc gia nào được đưa ra để áp dụng.
Theo ông Quang, cách ngăn chặn sốt đất tốt nhất là cần công khai minh bạch các quy hoạch, các văn bản pháp lý liên quan đến dự án để người dân nắm bắt rõ và cân nhắc khi mua, tránh tình trạng chạy theo đám đông. Từ đó, mới ngăn chặn được tình trạng chủ đầu tư bán hàng khi chưa đủ pháp lý và chiêu đẩy mạnh quảng bá, thổi giá tạo sốt đất cục bộ của giới đầu cơ. Cùng với đó, pháp lý liên quan đến dự án cũng cần được đơn giản hoá tinh gọn để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường, tránh để lợi ích nhóm tạo nên sốt ảo.
Các chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế căn nhà thứ hai với mức thấp là giải pháp khả thi. Với cách này, cơ quan quản lý sẽ có dữ liệu để biết được dân đầu cơ tập trung nhiều tại tỉnh thành nào.
Theo ông Lê Hoàng Châu, nên lưu ý đến diện tích của nhà đất khi đánh thuế để đảm bảo sự công bằng, không nên đánh thuế đối với những hộ gia đình đang ở chật và diện tích căn nhà thứ nhất, thứ hai, thứ ba đều quá nhỏ hẹp so với số m2 đầu người sử dụng thực tế. Đồng thời, cũng không nên đánh thuế với các loại hình nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư; nhà ở thương mại có giá dưới 1 tỷ đồng và nhà cấp 4 trở xuống.
Ông Châu cho rằng, sẽ là thuyết phục hơn nếu có lộ trình đánh thuế đối với căn nhà thứ hai một cách hợp lý. Bởi, lộ trình này sẽ giúp hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước cập nhật hệ thống dữ liệu sở hữu nhà ở của người dân, đồng thời, góp phần giúp thị trường nhà đất phát triển theo hướng bền vững, phòng chống nạn đầu cơ và giúp nguồn thu ngân sách tăng thêm.