Điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhiều ô đất tại khu đô thị Ciputra

06.04.2022 - Nhiều ô đất tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội) được cơ cấu, bố trí lại vị trí, ô đất là nhà ở cao tầng được điều chỉnh chức năng thành nhà ở thấp tầng.

Đất cao ốc thành thấp tầng 

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam Thăng Long (Khu đô thị Ciputra) giai đoạn II, tỷ lệ 1/500 tại 13 ô đất ký hiệu 3-P, I.B.26-NO, I.B.27-CX, I.B.28-CX, I.C.36-NO, I.C.37-TH, I.C.38-THCS, I.C.39-HC, I.C.40-MG, 4-THPT và các ô đất ký hiệu I.B.29-NO, I.B.30-CX, I.B.31-CX thuộc quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm.

Theo đó, tổng quy mô diện tích các ô đất điều chỉnh quy hoạch rộng hơn 153.197 m2. Quy mô dân số tại các ô đất sau điều chỉnh là 1.636 người (giảm 2.045 người).

Hà Nội điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho nhiều ô đất tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội) (Ảnh chụp năm 2021: Trần Kháng)

Nội dung quy hoạch tập trung vào việc điều chỉnh cơ cấu, bố trí lại vị trí các ô đất ký hiệu I.C.37-TH, I.C.38-THCS, I.C.40-MG có chức năng tương ứng, gồm trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non. 

Ô đất ký hiệu 3-P, diện tích hơn 10.000 m2 có chức năng là đất bãi đỗ xe phê duyệt xây dựng 3 tầng hầm để giảm diện tích sử dụng trên mặt đất, giảm diện tích còn hơn 6.000 m2. 

Các ô đất ký hiệu I.B.27-CS, I.B.28-CX, tổng diện tích khoảng hơn 11.900 m2 có chức năng là đất cây xanh công cộng đơn vị được bố cục lại vị trí theo dạng phân tán thành các ô đất cây xanh - đường dạo ký hiệu CX-01, CX-04, tăng diện tích cây xanh đơn vị ở với tổng diện tích hơn 19.400 m2 để phù hợp với không gian nhà ở thấp tầng và cây xanh, mặt nước khu vực.

Ô đất ký hiệu I.C.39-HC, diện tích gần 2.000 m2 có chức năng đất công cộng đơn vị ở điều chỉnh vị trí để phù hợp với tổ chức không gian khu vực, giữ nguyên diện tích theo quy hoạch.

Đặc biệt, điều chỉnh nhiều ô đất nhà ở cao tầng thành các ô nhà ở thấp tầng. Cụ thể: ô đất ký hiệu I.B.29-NO, diện tích hơn 35.400 m2 có chức năng là đất nhà ở cao tầng được bố cục, cơ cấu ranh giới cùng với các ô đất ký hiệu I.B.30-CX, I.B.31-CX trên cơ sở giữ nguyên diện tích theo quy hoạch. Điều chỉnh chức năng từ đất nhà ở cao tầng thành nhà ở thấp tầng ký hiệu TT-20, TT-37 có tổng diện tích hơn 27.800 m2 và đường nội bộ có diện tích hơn 7.570 m2, quy mô dân số giảm từ 1.701 người còn 700 người.

Các ô đất ký hiệu I.B.26-NO, I.C.36-NO, tổng diện tích khoảng 40.000 m2 có chức năng là đất nhà ở cao tầng được cơ cấu, bố trí lại vị trí để phù hợp với cơ cấu bố trí lại các trường học. Ô đất được điều chỉnh thành các ô đất nhà ở thấp tầng ký hiệu TT-01, TT-19, với tổng diện tích giảm còn hơn 37.000 m2, quy mô dân số giảm từ 1.980 người còn 936 người… 

Thủ tướng từng chỉ đạo xem xét việc điều chỉnh quy hoạch

Liên quan điều chỉnh quy hoạch tại Khu đô thị Ciputra, trước đó, tháng 6/2019, hàng trăm hộ dân sống tại đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng, không đồng tình trước đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư - Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long. Trong đó có ô đất P-14, TM-13, I.B.29-NO.

Theo đề nghị của chủ đầu tư, ô đất P-14 diện tích 13.389 m2 có chức năng là bãi đỗ xe tập trung nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm kết hợp kinh doanh thương mại, diện tích mặt đất để trồng cây xanh kết hợp đồng bộ với ô TM-13. 

Còn tại ô đất TM-13 diện tích 54.977 m2, vốn được quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ không có cư dân nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với dân số gần 3.000 người để cân đối từ ô đất I.B.29-NO sang. 

Trong khi đó, ô đất I.B.29-NO có diện tích 35.420 m2, quy hoạch năm 2004 để xây dựng nhà cao tầng nay chuyển sang nhà thấp tầng (5 tầng). Mật độ xây dựng từ 25,7% tăng lên khoảng 65%. 

Đáng lưu ý là ô đất TM-13 trước quy hoạch 5 tòa (cao từ 5 đến 47 tầng) thì được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 đến 68 tầng.

Không đồng tình với đề xuất trên, cư dân khu đô thị này cho rằng việc thay đổi mục đích sử dụng đất đối với ô đất I.B29 -NO từ đất xây dựng nhà cao tầng sang đất xây dựng nhà ở thấp tầng nhìn vào thì dân số điều chỉnh giảm hơn 1.000 người so với quy hoạch trước đây nhưng là để tăng lợi nhuận từ việc xây dựng khu nhà ở thấp tầng, giá trị thương mại cao hơn. Rồi lại dồn khu cao tầng vào ô đất TM-13 bằng việc tăng số tòa nhà (từ 5 tòa lên 8 tòa) thì rõ ràng chủ đầu tư đang muốn thu lợi một cách triệt để trên các khu đất chưa xây dựng. 

Liên quan tới vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý phản ánh của báo chí về tình trạng phá vỡ quy hoạch tại những khu đô thị như Ciputra hay Đoàn Ngoại giao. 

Sau đó, UBND TP Hà Nội có thông báo cho biết không xem xét về việc điều chỉnh quy hoạch tại các ô đất TM-13 và P-14.

Khu đô thị Ciputra được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tổng Công Ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị Việt Nam (UDIC) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia). Được giới thiệu là khu đô thị quốc tế lớn nhất đầu tiên tại Hà Nội, đây cũng là khu đô thị mới đồng bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế phát triển theo quy hoạch tổng thể của thủ đô với tổ hợp nhà ở, trường học, khuôn viên xanh, câu lạc bộ thể thao giải trí, khu thương mại khách sạn cao cấp, tòa tháp văn phòng.

Nguồn: dantri.com.vn