Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều công ty môi giới địa ốc tại Tp.HCM vẫn chưa khai xuân vì chưa có hàng để bán. Anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên kinh doanh SGD Thắng Lợi (quận 7) cho biết, từ cuối năm 2018 đến nay, anh chỉ “ngồi chơi xơi nước” vì sàn không có sản phẩm mới để chào bán. Hiện tại, sàn của anh chủ yếu chỉ giao dịch sản phẩm thứ cấp và bán rất chậm, khoảng một tháng gần đây chưa được giao dịch nào thành công. Nhiều nhà đầu tư lâu năm không có hứng thú với dự án hiện hữu, chủ yếu tìm dự án mới mà sàn anh Thắng hiện giờ không có hàng mới nên chấp nhận chờ thời.
Theo chia sẻ từ đại diện một công ty chuyên môi giới đất nền và căn hộ tại quận 9, năm nay sẽ là một năm khó khăn cho doanh nghiệp của anh khi khá nhiều đối tác quen thuộc tại Tp.HCM không thể hoàn thành thủ tục để ra hàng, nghĩa là các sàn giao dịch liên kết cũng không có hàng để bán. Do đó, doanh nghiệp dự tính phải chuyển hướng về thị trường tỉnh để tìm sản phẩm. Tuy nhiên, do ở tỉnh chủ yếu chào bán đất nền, nguồn hàng không đa dạng, sức mua lại không cao và cạnh tranh trực tiếp với các sàn địa phương nên môi giới sẽ phải chấp nhận nhiều thách thức mới.
Doanh nghiệp môi giới địa ốc lo lắng không có sản phẩm để phân phối
trong năm 2019. Ảnh minh họa: internet
Ngành môi giới bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thể hiện rõ qua con số sụt giảm mạnh lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Cụ thể, theo Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu như trong năm 2017, mỗi ngày có khoảng 14 doanh nghiệp môi giới bất động sản đăng ký thành lập mới, thì đến năm 2018, chỉ có khoảng 5 doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều sàn giao dịch tại Tp.HCM cho biết, năm 2018 doanh thu sụt giảm nặng nề, rất ít doanh nghiệp đạt được chỉ tiêu đề ra chứ chưa nói vượt.
Khó khăn lớn nhất của các công ty môi giới bất động sản là việc tìm kiếm nguồn hàng để duy trì hoạt động. Quý IV/2018, thị trường căn hộ Tp.HCM ghi nhận mức bung hàng thấp kỷ lục so với thời điểm cùng kỳ trong các năm qua. Cụ thể, theo số liệu từ JLL Việt Nam, lượng sản phẩm căn hộ mở bán chính thức ước đạt gần 8.300 căn. Tuy nhiên trên thực tế, 99% các dự án chào bán trong quý IV là những dự án cũ, đã tiến hành tiền mở bán từ 2-3 quý trước đó. Chỉ có khoảng 70 căn hộ là từ dự án mới duy nhất mở bán. Biệt thự/nhà phố cũng ghi nhận nguồn cung mới khoảng 118 căn. Đất nền gần như không có dự án mới nào. Đây là lượng mở bán thấp kỷ lục kể từ năm 2014 do các dự án quy mô lớn đang gặp vấn đề liên quan tới thu hồi đất.
Việc hạn chế phát triển dự án mới tại khu trung tâm, thắt chặt nguồn cung từ 2018 đến 2020 tạo thách thức lớn với các công ty môi giới, phân phối bất động sản trong năm 2019. Kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhìn chung, lượng hàng mới của các chủ đầu tư địa ốc đưa ra năm 2019 cũng ít hơn nhiều so với những năm trước. Nếu không tính đại dự án Vincity quận 9, hiện tại mới chỉ có 5-6 dự án nhà phố, căn hộ quy mô nhỏ có kế hoạch triển khai trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty môi giới sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn để có sản phẩm giao dịch.
Nhiều sàn môi giới bất động sản quyết định tiến về tỉnh lẻ để có việc làm
nuôi quân. Ảnh minh họa: enternew.vn
Ông Trần Thanh Nhàn, đại diện SGD An Phú Đông, quận 2 cho biết, do sản phẩm hạn chế nên chủ đầu tư chỉ tìm đến những sàn lớn, có thương hiệu. Các công ty môi giới nhỏ khó cạnh tranh. Thậm chí chủ đầu tư còn tự bán hàng, không cần đến sàn. Doanh nghiệp môi giới phải chuyển hướng về tỉnh để tìm nguồn hàng nuôi quân. Ngay cả những doanh nghiệp lớn và chuyên môi giới địa ốc tại Tp.HCM như DKRA Việt Nam, Rio Land, Thiên Minh, Exim Land… đều phải chuyển trọng tâm phân phối về thị trường tỉnh.
Bên cạnh việc thiếu nguồn hàng, doanh nghiệp môi giới cũng gặp khó khăn để duy trì lượng nhân viên. Tp.HCM hiện có khoảng 20.000 cá nhân đang hành nghề môi giới, chưa tính nhân sự tại các đơn vị môi giới tự do, quy mô nhỏ, cộng tác viên. Trước những biến động trên thị trường địa ốc năm 2018, nghề môi giới bắt đầu đối mặt thách thức.
Nhìn nhận về biến động nhân sự môi giới, ông Phạm Lâm, TGĐ DKRA Việt Nam cho rằng, năm 2018 thị trường bất động sản đã bộc lộ nhiều dấu hiệu giảm nhiệt cả về cung và cầu, trong năm 2019 thị trường có thể sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn, đà phát triển sẽ chậm lại. Động thái nguồn cung hạn chế sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản của thị trường khiến sức mua sụt giảm. Đây là dấu hiệu đáng quan ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị bán hàng.
Ông Lâm cũng dự báo, năm 2019 thị trường sẽ xuất hiện làn sóng dịch chuyển và bỏ nghề môi giới địa ốc. Sàng lọc trong điều kiện bình thường, mỗi năm số lượng môi giới bỏ nghề khoảng 20%. Nếu có sự tác động thêm từ chính sách và chiến lược của doanh nghiệp khi thị trường khó khăn, thì mức đào thải khoảng 25-30%, thậm chí nhiều hơn.
Phương Uyên