Doanh nghiệp than 'thủ tục xây nhà cho người nghèo khó hơn người giàu'

22.05.2019 - Thủ tục làm nhà ở cho công nhân được phản ánh khó khăn hơn nhà thương mại, chưa kể các dự án còn bị kiểm soát đầu ra, giá bán...

Tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" do báo Pháp Luật TP HCM tổ chức ngày 21/5, những bất cập của việc triển khai nhà ở cho người lao động thu nhập thấp được doanh nghiệp, hiệp hội và sở ngành mang ra mổ xẻ.

Ông Trần Đức Vinh - Tổng giám đốc Công ty Trần Anh cho biết, doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại Long An đã nhiều năm, phát hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều khu công nghiệp nhưng còn thiếu nhà ở dành cho nhóm khách hàng này. Công nhân có mức sống rất thấp, nếu xây nhà theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, 40 m2 thì chi phí lên 700 triệu, vượt quá khả năng chi trả. Vì vậy doanh nghiệp đã đến Bình Dương học tập cách xây nhà 30 m2, trong đó 20 m2 đất và 10 m2 tầng lửng tại Long An.

Thế nhưng đang triển khai xây 800 căn nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại về thủ tục pháp lý và không ít lần bị phạt. Ban đầu công ty mong muốn đầu tư xây 10.000 căn phục vụ cơn khát nhà ở của người lao động nhưng thủ tục khó khăn, bất hợp lý nên chỉ thí điểm 800 căn. "Tôi mong TP HCM cùng Long An tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng dự án nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội giáp ranh 2 địa bàn này phục vụ người lao động", ông Vinh nói.

CEO Công ty Trần Anh kiến nghị cơ quan quản lý rà soát thủ tục, chính sách xét bán nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp được dễ dàng hơn vì hiện nay nguồn lực nhà nước chưa thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Theo ông Vinh, có ưu đãi về thuế và tiền sử dụng đất nhưng đầu ra của nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội quá khó khăn nếu bị kiểm soát chặt từ giá bán, lợi nhuận đến cả người mua. Doanh nghiệp sẽ nản lòng và bỏ cuộc vì làm nhà ở thương mại thủ tục ít hơn, được tự quyết giá cả, được bán tự do, lợi nhuận cũng cao hơn.

Mô hình nhà ở 100 triệu đồng cho công nhân, người có thu nhập thấp tại Bình Dương được nhiều doanh nghiệp các tỉnh lân cận học tập. Ảnh: Minh Duy

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) thừa nhận, không chỉ tại Long An mà cả TP HCM cũng đang tồn tại một nghịch lý là thủ tục làm nhà người nghèo còn khó và kéo dài hơn làm nhà người giàu (nhà trung - cao cấp). Chính vì vậy, khi xong thủ tục, rất nhiều doanh nghiệp từ bỏ kế hoạch làm nhà cho công nhân hay nhà ở xã hội.

"Thành công của chương trình xây nhà cho người thu nhập thấp ngoài sự đóng góp 30% của doanh nghiệp cần 70% còn lại từ chính sách và sự hỗ trợ của chính quyền. Nếu không, không thể làm được nhà ở cho công nhân", ông nhấn mạnh.

Phó trưởng Phòng Phát triển nhà ở - Sở Xây dựng TP HCM, ông Trần Quốc Đạt cho biết, thành phố có kế hoạch đầu tư nhà ở cho công nhân nhưng nguồn cung hiện tại chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người lao động và đặc biệt là lao động nhập cư. Ông Đạt chỉ ra hàng loạt khó khăn của các dự án xây nhà cho công nhân đang vướng mắc.

Thứ nhất, chi phí đầu tư rất lớn, thu hồi vốn chậm, nên đây là trở ngại cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, nội quy nhà lưu trú công nhân do doanh nghiệp xây dựng có nhiều quy định chặt chẽ, công nhân thích ở nhà trọ hơn dù chất lượng nhà không bằng khu lưu trú.

Thứ hai là thiếu quỹ đất. Hiện quỹ đất triển khai nhà ở cho công nhân có 47 ha đã và đang triển khai thực hiện, song có 15 dự án thì 6 đang giải phóng mặt bằng, các dự án còn lại còn ở bước thực hiện các thủ tục đầu tư. Nếu nguồn dự án này được triển khai thuận lợi thì sẽ đáp ứng được 95.000 chỗ ở cho công nhân nhưng nhiều khả năng không thể hoàn thành dự án nhanh.

Thứ ba thiếu vốn. Hiện nay gói tài khóa 30.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho các chương trình nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp hay nhà ở xã hội đều đã khóa sổ. Nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội cho vay diện này chỉ có 50 tỷ đồng, chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu vay để mua, thuê mua nhà của công nhân lên đến hàng trăm nghìn người.

Thứ tư, thủ tục quá nhiều và kéo dài. Thực hiện các trình tự thủ tục như nhà ở thương mại và bị kiểm soát các vấn đề: giá cho thuê (để bảo vệ công nhân), kiểm soát đúng đối tượng nếu có nhu cầu mua. Đây là một trong những khó khăn phổ biến khiến doanh nghiệp nản lòng.

Thủ tục xây dự án nhà ở cho công nhân còn nhiều hơn nhà ở thương mại do bị rà sóat nhiều khâu. "Có khi vì thủ tục quá nhiều, nhà đầu tư cân nhắc xây nhà ở thương mại hiệu quả hơn là xây nhà ở cho công nhân", ông Đạt cho hay.

Hà Thanh

Nguồn: vnexpress.net