Doanh thu, lợi nhuận đạt thấp
Sau giai đoạn 2015 - 2017 rất khả quan vì thị trường bất động sản bùng nổ, nhiều công ty xây dựng, đặc biệt là những công ty hoạt động trong phân khúc nhà ở thương mại, bắt đầu gặp khó khăn trong việc kéo dài đà tăng trưởng cao giai đoạn 2017 - 2018. Đặc biệt, trong năm 2019, tình hình còn khó khăn hơn khi hầu hết các đại gia ngành xây dựng không thể giữ "phong độ".
Thống kê từ kết quả kinh doanh mới công bố của một số doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng như CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD), CTCP Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC), CTCP Đầu tư xây dựng Ricons, CTCP Tập đoàn Cotana (Mã CK: CSC), CTCP Đạt Phương (mã CK: DPG), cho thấy sự sụt giảm mạnh so với năm trước, và tới thời điểm 30/9, mới chỉ hoàn thành rất thấp kế hoạch cả năm 2019.
Trong khi Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương chỉ hoàn thành chưa đến 37% kế hoạch năm sau 9 tháng, thì Hòa Bình của đại gia Lê Viết Hải cũng chỉ đạt vỏn vẹn 34% kế hoạch năm về lợi nhuận, trong khi Ricons khá hơn chút với 43% chỉ tiêu của năm 2019.
CTCP Đạt Phương, nhà thầu với thành tích trúng nhiều gói thầu “khủng” trong gần 4 năm trở lại đây, tính đến hết tháng 9/2019, thậm chí còn bết bát hơn khi chỉ lãi vỏn vẹn có 1 tỷ đồng, hoàn thành chưa tới 2% kế hoạch năm 2019; hay Cotana cũng chỉ vỏn vẹn hoàn thành 6% mục tiêu năm. Trong số các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây lắp, hiếm hoi có CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings là đơn vị duy nhất ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 75% kế hoạch năm tính tới hết tháng 9/2019.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, một số nhà thầu cũng gặp khó khăn trong việc xác nhận và thu hồi công nợ, dẫn đến việc công ty thầu chính phải sử dụng nguồn tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công theo các điều khoản hợp đồng đã ký kết, nên ảnh hưởng đến doanh thu tài chính quý III/2019
Số lượng dự án mới triển khai thi công giảm mạnh khiến đại đa số doanh nghiệp xây lắp "méo mặt"
Động lực nào cho ngành xây lắp?
Trong quý III/2019, Tổng cục Thống kê đã tiến hành khảo sát với 6.200 doanh nghiệp xây dựng thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời đạt 90%. Kết quả khảo sát cho thấy, có 25,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn, 40,4% doanh nghiệp nhận định tình hình ổn định và 33,9% doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn so với quý II/2019.
Con số này cho thấy, doanh nghiệp xây dựng đang đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường xây dựng cuối năm nay. Tuy nhiên, việc kỳ vọng cao không đồng nghĩa với bức tranh của ngành xây dựng từ giờ tới cuối năm sẽ sáng màu hơn, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng bế tắc trong việc cấp phép dự án mới.
Báo cáo do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây cho biết, tính tới hết quý III/2019, tổng nguồn cung chung cư của Hà Nội đạt 17.122 căn, giảm 29,55% so với cùng kỳ năm trước, còn tại TP.HCM sụt giảm tới 38,3% so với cùng kỳ, đạt 21.026 căn hộ. Nếu tính cụ thể hơn, ngoại trừ lượng cung khổng lồ nhiều chục ngàn căn của chuỗi dự án mang thương hiệu Vinhomes của Tập đoàn Vingroup ra mắt tại Hà Nội và TP.HCM từ cuối năm 2018 đến nay thì có thể thấy, nguồn cung chung cư từ các chủ đầu tư khác đã sụt giảm ở mức độ cực lớn.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về xu thế sụt giảm của thị trường bất động sản TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, trong 9 tháng qua TP.HCM mới chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án với tổng diện tích đất khoảng 5.122 m2; chấp thuận đầu tư 12 dự án với tổng diện tích đất khoảng 495.032 m2, số lượng nhà ở 12.360 căn, gồm 11.830 căn hộ chung cư và 530 nhà ở thấp tầng. Đặc biệt, không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư trong 9 tháng đầu năm
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, sự sụt giảm số lượng dự án mới kéo theo hệ quả trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị giảm khoảng 30 - 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Không những vậy, theo dự báo của VARS, những tháng cuối năm, trên cả 2 thị trường Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung có thể sẽ không tăng với tình hình không có nhiều thay đổi từ cơ chế, chính sách. Trong khi các hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp thi công xây dựng với chủ đầu tư, thanh toán thường theo tiến độ thực hiện công việc, do đó, phần hoạch toán doanh thu của doanh nghiệp xây dựng thường tương ứng với tiến độ thi công, thì việc không có dự án mới triển khai được xem là thách thức lớn với các doanh nghiệp xây lắp.
Chưa kể, các chi phí liên quan đến đầu vào của doanh nghiệp như logistics, nhân công, định mức đơn giá xây dựng trong 2 năm nay điều chỉnh tăng mạnh, chi phí đền bù đất đai bị đẩy lên, thủ tục hồ sơ trì trệ dẫn đến thời gian đầu tư của doanh nghiệp kéo dài, tốn kém… khiến cho chi phí đầu vào của ngành xây dựng, bất động sản tăng lên.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, trong giai đoạn cuối năm, viễn cảnh của cổ phiếu nhóm ngành xây dựng vẫn chưa thể lạc quan. Theo dự báo của BMI, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng sẽ bắt đầu chậm lại, từ mức 9,63% xuống còn khoảng 7,8% trong giai đoạn 2019-2021. Nguyên nhân có thể do tốc độ tăng trưởng ngành bất động sản sẽ chậm lại hơn so với trước.
Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành sẽ quyết liệt hơn. Giá cả nguyên vật liệu sắt, thép, cát… có xu hướng tăng sẽ làm cho lợi nhuận giảm sút. Điều này cho thấy cổ phiếu ngành xây dựng khó có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm nay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS cho rằng, trong thời gian tới, nếu các thành phố lớn không có những giải pháp tháo gỡ tích cực thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng. Giao dịch trên thị trường hiện nay chủ yếu là từ các dự án đã được xây dựng từ giai đoạn trước. Do đó, sẽ kéo theo sự ảm đạm của ngành xây lắp. Trước tình hình này, việc phát triển các thị trường mới, đặc biệt là thị trường nước ngoài có thể là hướng đi khả dĩ của các doanh nghiệp xây lắp có thương hiệu.
Theo Ninh Việt
Đầu tư
Nguồn: dantri.com.vn