Đón sóng đất nền theo dự án, nhiều nhà đầu tư "ôm nợ"

22.02.2020 - Thời gian qua, giá bất động sản đã thiết lập mặt bằng mới. Việc “ôm hàng” giá cao khiến nhà đầu tư dễ hứng rủi ro và chôn vốn.

Dự án còn trên giấy, giá đất đã tăng 3 - 4 lần

Những ngày giữ tháng 2/2020, thị trường đất nền tại khu vực QL56, xã Bình Ba, huyện Châu Đức rơi vào cơn sốt trước thông tin chính quyền địa phương đồng ý cho một doanh nghiệp tiến hành khảo sát dự án đầu tư tại đây. Giá đất theo đó được giới “cò đất”, môi giới thổi lên cao ngất ngưởng.

Theo người dân địa phương, những ngày qua, hàng ngàn người ở các vùng lân cận như TP.HCM, Đồng Nai… đã đổ về tìm mua đất khiến giá đất tại Bình ba liên tục nhảy múa trong ngày. Cụ thể, giá đất dọc theo quốc lộ 56 hay thị trấn Ngãi Giao tăng mạnh 3 – 4 lần lên mức 300 - 400 triệu đồng mỗi mét ngang đối với đất vườn và 500 – 600 triệu một mét ngang với đất thổ cư. Trong khi đó, vào cuối năm 2019, giá đất rao bán tại đây chỉ dao động từ 40 - 60 triệu đồng một mét ngang.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết dư luận thời gian qua được phen sốt sắng với thông tin sốt đất tại các huyện có quy hoạch, dự án nhưng lượng giao dịch thực tế tại những khu vực này đều không cao. Theo vị này, thông tin ở các khu vực có khả năng sốt đất thường chưa được kiểm chứng rõ ràng. Một số thông tin như sáp nhập huyện, thông tin huyện lên quận, sáp nhập môt số đơn vị hành chính hay thông tin dự án, nếu không được công khai minh bạch sẽ rất dễ tạo ra sốt đất. 

Nhiều nhà đầu tư đổ về tạo nên cơn sốt đất mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Plo.vn

Cơn sốt hạ nhiệt, lượng người tìm mua giảm tới 90%

Sau mấy ngày lên cơn sốt, đến hôm nay giá đất đã hạ nhiệt. Dọc tuyến QL 56, lượng người mới tới mua bán thực tế giảm tới 90%. Các nhà đầu tư lớn hầu như đã sang tay các lô đất ngay trong thời điểm nóng sốt nhất. Trên thị trường hiện chủ yếu là những nhà đầu tư nhỏ, lỡ mua vào mấy ngày gần đây mà chưa sang tay kịp.

Theo ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay các văn phòng công chứng, văn phòng đất đai trên địa bàn huyện chưa ghi nhận hồ sơ giao dịch chính thức nào. Điều này đồng nghĩa, toàn bộ giao dịch này chỉ thực hiện trên giấy tờ tay với nhau và có tính chất đầu cơ chưa chính thức.

Theo chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, hiện tại, hệ lụy từ cơn sốt đất sớm nở tối tàn này vẫn chưa thể hiện rõ, nhưng với tình trạng giá đất tăng mạnh, nhiều người liều lĩnh đổ tiền lướt sóng, thậm chí vay vốn nóng đầu tư nhảy cóc theo nhà đất, một khi thị trường bình ổn, nếu không có tài chính trụ vững lâu dài, việc đổ nợ là điều khó tránh.

Cẩn trọng sóng đất nền theo dự án

 

Theo các chuyên gia, việc ăn theo tin các dự án để đầu tư đất nền chờ sóng, đặc biệt tại thời điểm hiện nay, theo các chuyên gia là vô cùng rủi ro. Nguyên nhân là do dự án mới đang trong giai đoạn nghiên cứu. Do đó, nếu  nhà đầu tư “ôm đất” có thể sẽ bị kẹt hàng. Trong khi đó, thời gian qua, giá đất tại Vũng Tàu đã thiết lập mặt bằng mới. Việc “ôm hàng” giá cao càng khiến nhà đầu tư dễ hứng rủi ro và chôn vốn.

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, phân tích việc một số khu vực xảy ra sốt đất nền do nhà đầu tư, cò mồi tác động rất nhiều. Họ tìm cách đẩy thị trường và trục lợi trong thời gian ngắn. Ông Hiển cho biết thêm rằng, ở thời điểm hiện tại thì không có sản phẩm bất động sản nào có khả năng lướt sóng.

“Chuyện đầu tư ngắn hạn lướt sóng thu lợi là câu chuyện của 10 -15 năm về trước. Đây là giai đoạn đầu tiên của bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường bất động sản phát triển nhanh và hầu như đều có khung giá chuẩn. Giá chỉ có thể đẩy lên rất cao khi nguồn cung quá khan hiếm hoặc lượng cầu quá cao”, ông Hiển nói.

Nguồn: nhipcaudautu.vn