Báo cáo mới đây từ DKRA Việt Nam cho thấy, bất động sản nghỉ dưỡng 2018 ghi nhận sự sụt giảm thanh khoản ở biên độ lớn của cả biệt thự lẫn condotel. Sức tiêu thụ condotel và biệt thự biển trong năm 2018 đã giảm mạnh so với cùng kỳ 2017. Riêng biệt thự nghỉ dưỡng có tỷ lệ tiêu thụ giảm đến 46%. Tương tự, loại hình condotel cũng giảm mạnh giao dịch khi sức mua toàn thị trường chỉ khoảng 2.600 căn trong số 4.596 căn mới mở bán, giảm 45% so với năm trước. Đây không phải là con số nhất thời mà là diễn biến xuyên suốt của thị trường 2018, bắt đầu từ quý I kéo dài đến hết năm.
Tuy nhiên, bất chấp các số liệu không mấy tươi sáng về thanh khoản, rổ hàng bất động sản nghỉ dưỡng dự kiến vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2019. Theo đó, hàng loạt ông lớn đầu ngành có động thái chuyển hướng phát triển sang phân khúc này tại các thị trường trọng tâm, gồm Phú Quốc, Cần Thơ, Tp.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Cam Ranh, Đà Nẵng.
Cụ thể, mới đây tập đoàn Novaland thông báo 2019 sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực trọng tâm là bất động sản và dịch vụ du lịch. Trong năm mới, ông lớn này dự kiến triển khai thêm 2.300 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trên tổng quỹ đất 2.650 ha, tập trung tại các thành phố du lịch lớn. Ông Bùi Xuân Huy, TGĐ tập đoàn Novaland cho biết, tập đoàn đang triển khai hệ sinh thái dịch vụ NovaTourism với 3 dòng thương hiệu chính là NovaHills, NovaBeach và NovaWorld.
Thương hiệu bất động sản nhà ở lớn khác là Địa ốc Phú Long cũng lấn sân sang nghỉ dưỡng bằng loạt dự án cao cấp tại Phú Quốc và Nha Trang; Tập đoàn W.C.G Holdings xúc tiến triển khai tổ hợp dự án khách sạn, villa hạng sang quy mô 400 ha trên địa bàn huyện Xuyên Mộc; DIC Corp, Grand Hồ Tràm phát triển hàng nghìn căn condotel ở TP. Vũng Tàu; Tập đoàn Deawoo bắt tay với TDH để làm dự án condotel tại Long Hải; Beegreen cũng dự kiến tung ra thị trường hơn 600 căn condotel tại đây vào giữa năm; FLC Group xúc tiến đầu tư khu nghỉ dưỡng rộng hơn 1.000ha tại Vũng Tàu; Dự án du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam với quy mô 1.169 ha sẽ triển khai tại Bình Thuận cũng đang được gấp rút thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng trong quý I/2019…
Trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyên về nhà ở tiếp tục lấn sân sang
bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa: internet
Bên cạnh những doanh nghiệp mới lấn sân, các thương hiệu nghỉ dưỡng truyền thống như Vingroup, Sungroup, BIMgroup, MIKgroup… cũng đang triển khai khá nhiều dự án nghỉ dưỡng để bung hàng trong năm 2019. Bên cạnh thị trường cũ, những địa danh mới như Quảng Trị, Ninh Thuận hứa hẹn góp thêm nguồn cung giúp bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng đột biến.
Thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp cho thấy, nửa đầu năm 2019, Quảng Trị sẽ có 6 dự dự án nghỉ dưỡng, cung ứng cho thị trường 3.000 căn hộ, villa đến từ các tập đoàn như FLC,
Việc bùng nổ nguồn hàng mới đặt ra nghi ngại, liệu sản phẩm lớn có gây thêm áp lực khiến thanh khoản thị trường nghỉ dưỡng xám xịt hơn? Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, bất động sản nghỉ dưỡng giảm nhiệt phần nhiều do thị trường thiếu nguồn hàng mới và sự đa dạng sản phẩm chứ không phải do sự sụt giảm về tiềm năng. Những sản phẩm có chất lượng cao, vị trí đẹp, khả năng cho thuê tốt vẫn có tỷ lệ hấp thụ tốt.
Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng năm 2018 giảm 48% so với năm 2017, rổ hàng condotel cũng ít dần, giảm 69%. Sản phẩm nghỉ dưỡng chào bán trong 6 tháng cuối năm 2018 phần nhiều là từ những dự án cũ đã triển khai từ các quý trước, thậm chí là từ các năm trước. Thị trường còn khá nhiều dự án quy mô lớn chưa bung hàng nên nhà đầu tư cũng “ngủ đông” chờ đợi. Động thái giảm thanh khoản được cho là sẽ chấm dứt khi nguồn hàng mới dồi dào chuẩn bị tung ra vào các quý giữa năm 2019.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, không cần lo bong bóng hay thừa cung bất động sản nghỉ dưỡng vì dư địa còn rất nhiều. Tiềm năng khai thác du lịch của Việt Nam rất lớn và thực tế đang chứng minh điều đó. Số liệu từ Tổng cục Du lịch do thấy nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng vẫn thấp hơn so với nhu cầu lưu trú. Năm 2018, Việt Nam dự kiến đón hơn 16 triệu lượt khách quốc tế, tức là tăng gấp hai lần chỉ sau 3 năm. Không chỉ khách quốc tế, khách nội địa cũng có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ khi tầng lớp trung lưu tăng lên rất nhanh. Việt Nam đang cần có hàng trăm ngàn biệt thự, khách sạn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đây chính là tiềm năng để bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Phương Uyên