Giá đất tại Đồng Nai dự báo sẽ tăng trong thời gian tới

16.05.2019 - Hiện nay, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng bảng giá đất cho 5 năm tới (2020-2024). Dự tính giá đất sẽ tăng để thu hẹp sự chênh lệch so với giá thị trường.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo, xây dựng bảng giá đất Đồng Nai giai đoạn 2020-2024 phải hoàn thành dự thảo trong tháng 9-2019 để lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương. Sau đó trình HĐND tỉnh thông qua để UBND tỉnh ban hành trong tháng 12-2019, áp dụng từ tháng 1-2020.

Năm 2018, bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được tính theo 413 vị trí đất phi nông nghiệp và 345 vị trí giá đất nông nghiệp. Tuy nhiên, sắp tới số vị trí đất phi nông nghiệp và nông nghiệp sẽ tăng lên vì thời gian qua đã có nhiều tuyến đường được mở ra và được cập nhật mới; trên 1 con đường có thể có 2-3 mức giá đất khác nhau cho phù hợp với tình hình hiện tại. 

Giá đất từ năm 2020 dự kiến sẽ tăng khá cao vì trong hơn 2 năm gần đây, giá đất tại Đồng Nai có nhiều biến động, nhiều nơi đã tăng gấp 1,5-3 lần do có những công trình hạ tầng giao thông được xây dựng mới và nâng cấp.

Đánh giá của các sở, ngành, địa phương cũng cho thấy, bảng giá đất của tỉnh đang thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Chẳng hạn, tại TP. Biên Hoà, trong giai đoạn 2015-2019, hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố có nhiều thay đổi, sắp tới một số xã sẽ lên phường nên giá đất tăng khá cao. Do vậy, địa phương này cho rằng bảng giá đất tới đây sẽ tính toán thật kỹ, có điều chỉnh cho thích hợp để tránh chênh lệch quá lớn so với giá thị trường.

Đặc biệt, từ ngày 25-3-2019, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 của tỉnh Đồng Nai đã có hiệu lực. Theo đó giá thu tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước sẽ tăng từ 1,2-8 lần so với trước đây. Những nơi có giá đất tăng cao là TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh. Hệ số giá đất năm 2019 chia thành 3 loại gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp ở đô thị và đất phi nông nghiệp tại nông thôn.

Theo đề xuất của Sở Tài chính, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 10/2019/QĐ-UBND quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 cho phù hợp với biến động của thị trường bất động sản trong thời gian qua. Trong đó, đất nông nghiệp tăng từ 1,3-3 lần; đất phi nông nghiệp ở đô thị tăng từ 1,28-2,5 lần; đất phi nông nghiệp ở nông thôn tăng 1,2-8 lần.

Riêng giá đất nông nghiệp tính theo hệ số sẽ áp dụng theo từng xã, phường hoặc nhóm xã, phường. Đất phi nông nghiệp ở đô thị và đất phi nông nghiệp ở nông thôn, hệ số sẽ tính theo từng tuyến đường. Nhiều tuyến đường có 2-4 hệ số giá đất khác nhau, và đây cũng là điểm mới trong cách tính giá đất hiện nay.

Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, bảng giá đất mới sẽ khắc phục những hạn chế trong những năm qua, trong đó, cập nhật lại theo từng tuyến đường. Những nơi giá đất có thể tăng cao là TX.Long Khánh, các xã sẽ lên phường của TP.Biên Hòa và những khu vực đã lên thị trấn thuộc huyện Nhơn Trạch, Thống Nhất...

Theo chi cục thuế các huyện, thị, thành, với hệ số giá đất mới, giá thuê đất, thuê mặt nước, tính tiền sử dụng đất nhiều khu vực tăng khá cao từ 1,2-8 lần. Cụ thể giá tính tiền sử dụng đất, thuê đất nông nghiệp tại xã Tân Hạnh, xã Long Hưng tăng 2,5 lần, còn lại các phường, xã khác đều tăng 3 lần.

Tại huyện Long Thành, khu vực thị trấn Long Thành hệ số giá đất tăng 3 lần còn các xã tăng 2,5 lần. Các xã tại huyện Nhơn Trạch đều tăng 2,5 lần; các phường thuộc TX.Long Khánh tăng 2,5 lần còn xã tăng 2,1 lần; huyện Xuân Lộc riêng thị trấn Gia Ray tăng 2 lần còn lại tăng 2,1 lần; huyện Cẩm Mỹ hệ số giá đất tăng 2 lần...

Với đất phi nông nghiệp ở nông thôn, có hệ số tăng cao nhất tỉnh là tuyến hương lộ 2 (TP.Biên Hòa). Tuyến đường này chia làm 3 đoạn để tính hệ số và tăng từ 5-8 lần; tiền sử dụng đất, thuê đất, mặt nước ở nhiều nơi tăng cao ngất ngưởng.

Chưa đợi đến khi bảng giá đất giai đoạn mới của tỉnh này có hiệu lực thi hành, tìm hiểu thực tế thời gian qua cho thấy tại huyện Long Thành, không chỉ các xã ở khu vực xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mà ở những khu vực lân cận giá đất cũng tăng nhanh từng ngày khiến phong trào đầu cơ đất nền thành cơn “sốt” với nhiều người. Vào các ngày cuối tuần, cảnh từng đoàn xe từ nơi khác đến nối đuôi nhau đi xem đất, mua đất không còn quá xa lạ với người dân địa phương.

Trong khi đó, hiện tại đang xuất hiện cơn sốt đất lần thứ 3 tại huyện Nhơn Trạch bởi thông tin sẽ làm cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch. Cầu Cát Lái được xây dựng sẽ thay thế cho phà Cát Lái, tạo thuận lợi lớn cho lưu thông giữa 2 địa phương. Tuy mọi thứ vẫn đang còn bàn thảo để tìm hướng đầu tư thích hợp nhất, nhưng giá đất toàn khu vực này bắt đầu biến động mạnh.

Khảo sát tại các tuyến đường lớn thuộc xã Phú Hữu, Đại Phước, Phú Đông... cho thấy, giá đất thổ cư đang được rao bán từ 20-30 triệu đồng/m2, đất sâu bên trong các hẻm dao động 8-15 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp tùy từng khu vực giá từ 0,6-2 tỷ đồng/1 ngàn m2.

Ngoài đất thổ cư, đất nông nghiệp cũng được nhiều nhà đầu tư săn mua với giá rất cao. Dọc các tuyến đường lớn của huyện Nhơn Trạch nhan nhản bảng hiệu mua bán đất. Theo một số “cò” đất ở Nhơn Trạch, đất nông nghiệp được mua đi bán lại nhiều nhất. Nếu thửa đất không bị quy hoạch làm dự án, giá thường cao gấp 1,5-2 lần so với đất bị quy hoạch dự án.

Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho biết thị trường nhà đất tại Long Thành hay Nhơn Trạch thời gian qua liên tục sốt nóng và nguội lạnh đan xen theo từng thời điểm khác nhau. Khi có những thông tin hỗ trợ tốt về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông... thì nhiều giá đất ở khu vực này lập tức liên tục tăng phi mã, có thể nói là tăng cao bất thường. 

Cũng theo ông Phúc, về tiềm năng trong dài hạn, thị trường BĐS tỉnh Đồng Nai được đánh giá là tốt. Tuy nhiên, giá BĐS hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị thật. Giá đất đang tăng quá nhanh do sự thu gom của giới đầu cơ, từ đó làm cho thị trường khan hiếm "hàng" giả tạo, cộng thêm đó là sự tham gia của lực lượng môi giới cá nhân cũng làm méo mó thị trường.

Nam Phong

Theo Nhịp sống kinh tế

Nguồn: http://cafef.vn