Diễn giả tham dự tọa đàm “Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai”.
TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết như vậy khi tham luận tại tọa đàm “Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai” do Reatimes và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức diễn ra sáng nay (9/6).
Theo ông Đính, đầu tư bất động sản là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn của người Việt, trong đó có phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Một trong những nguyên nhân khiến bất động sản được nhiều nhà đầu tư “nhắm” tới đó là do mức giá liên tục tăng trong thời gian qua.
“Bất động sản ở Việt Nam từ nhiều năm nay chưa bao giờ ngừng tăng giá trị. Hàng năm giá nhà, đất đều tăng từ 5-10%, tuỳ thuộc tính sinh lợi thường xuyên của bất động sản", ông Đính cho hay.
Đáng lưu ý, theo ông Đính, giá mua bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện nay tuy có cao hơn so với giá bất động sản nhà ở nhưng so với thế giới vẫn rẻ hơn 8-10 lần. Khi Việt Nam đạt mục tiêu trở thành cường quốc du lịch, ông Đính cho rằng, giá bất động sản nghỉ dưỡng sẽ ngang bằng giá quốc tế.
Mặc dù là một kênh đầu tư hấp dẫn song ông Đính cũng chỉ ra một loạt các vấn đề trong việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay ở Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý theo ông Đính, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn lối đầu tư theo đám đông, nghe lời đồn đoán và thường bị các hình ảnh quảng cáo cũng như nghe mỗi thông tin từ phía chủ đầu tư để quyết định xuống tiền đầu tư.
“Họ thường không thẩm định, thẩm tra đánh giá toàn diện các dữ liệu thông tin về dự án cũng như khả năng kinh doanh sinh lời, năng lực chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành sau đầu tư, sự phù hợp của sản phẩm và những ưu thế nổi trội, giá bán…”, ông Đính nói.
Cũng theo ông Đính, trong thời gian vừa qua, nhiều dự án chậm triển khai, khai thác kinh doanh sau khi đầu tư không hiệu quả, thậm chí thua lỗ, dẫn đến chủ đầu tư không có khả năng chi trả lợi nhuận cam kết.
“Mặc dù nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hiện vẫn cao nhưng xuất hiện tâm lý e ngại của nhà đầu tư. Do kết quả đầu tư mang lại thực tiễn từ một số dự án không tốt. Đặc biệt là hiệu quả kinh doanh của ngành du lịch thời gian qua sụt giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thị trường, giao dịch, đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng từ đầu năm 2020 đến nay rất tệ hại”, ông Đính cho biết.
Vỡ trận cam kết lãi suất tạo ấn tượng xấu kéo dài cho BĐS nghỉ dưỡng
Qua một thời gian dài sàng lọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản cho rằng, thời gian tới nhà đầu tư sẽ chuyên nghiệp hơn, cẩn trọng hơn trong việc đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
“Những dự án yếu thế, kém khả năng khai thác kinh doanh, dự án không có phương án kinh doanh cụ thể, không tín hiệu quả, chắc chắn sẽ không phải là lựa chọn các nhà đầu tư”, ông Đính nhận định.
Ông Đính nhấn mạnh thêm, mặc dù bờ biển Việt Nam dài hơn 3.000 km và có nhiều khu vực rất đẹp nhưng không phải ở đâu cũng kinh doanh du lịch hiệu quả. Do vậy trước khi xuống tiền, cần tìm hiểu kỹ, tránh tâm lý đám đông.
Tại tọa đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính quốc gia cũng đưa ra một loạt kiến nghị để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển lành mạnh hơn.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết nhiều doanh nghiệp hứa với nhà đầu tư cam kết lợi nhuận 12% nhưng không làm được.
Ông Nghĩa cho biết, hiện nhiều chủ đầu tư “đói” vẫn phải trông đợi vào nguồn vốn huy động từ nhà đầu tư. Do vậy cần có những quy định rõ ràng nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư thứ cấp.
Cùng với đó, cơ chế phân phối lợi nhuận rõ ràng. Ông Nghĩa cho biết, qua tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư, họ nói lãi suất cam kết không cần cao nhưng phải rõ ràng.
“Mức họ mong muốn là bằng tiết kiệm gửi ngân hàng trung và dài hạn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp hứa với nhà đầu tư cam kết lợi nhuận 12% nhưng không làm được. Điều này tạo ra ấn tượng xấu kéo dài cho tới tận bây giờ đối với việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Nghĩa cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, cần có sự minh bạch về tài chính. Các dự án cần có công ty kiểm toán độc lập có uy tín, để biết được lợi ích của các nhà đầu tư không bị xâm hại.
Nguyễn Mạnh
Nguồn: dantri.com.vn