Khả năng sinh lời của doanh nghiệp nội “lép vế” trước FDI
Vietnam Report hôm nay (25/9) vừa công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 (Profit500) cho thấy, dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp vẫn thuộc về các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%), ngành thực phẩm đồ uống (11%), ngành tài chính (10,8%), ngành điện (8,6%). Tỷ lệ các ngành này trong bảng xếp hạng chiếm áp đảo so với các nhóm ngành còn lại.
Xây dựng, bất động sản vẫn là ngành mang lại nhiều lợi nhuận nhất (ảnh minh hoạ)
Theo đánh giá của đơn vị khảo sát, trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trở lại, trong bối cảnh đó tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, khả năng sinh lời tăng, năng lực cạnh tranh có nhiều cải thiện.
Tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước và giữa các ngành.
Xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit500, Vietnam Report cho rằng, ROA bình quân của các doanh nghiệp Profit500 khoảng 11,9% có xu hướng tăng nhẹ từ mức 11% trong Bảng xếp hạng năm 2018. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của các doanh nghiệp Profit500 đang được cải thiện trong thời gian qua.
Chỉ số ROE bình quân của các doanh nghiệp năm nay cũng tăng lên 20,9% (so với mức 19% năm 2018), cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Profit500 có chiều hướng tốt hơn (cao hơn mức chuẩn so với chuẩn quốc tế - thông thường doanh nghiệp có ROE ≥ 15% được đánh giá là doanh nghiệp tốt).
Một điểm cũng đáng lưu ý từ báo cáo này đó là các doanh nghiệp trong nước trong bảng xếp hạng có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI.
Nhóm doanh nghiệp FDI tại bảng xếp hạng có hiệu quả sử dụng tài sản đạt khoảng 17% so với mức 11,5% và 12,7% tương ứng của khối nhà nước và ngoài nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cũng vượt trội, với ROE của khối này là 26,4% so với mức 17,6% của khối DNNN.
“Sự chênh lệch nhiều về khả năng sinh lời cho thấy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mặc dù có cải thiện trong vài năm qua nhưng vẫn còn ở mức thấp và nếu không cải thiện sẽ bị tụt hậu so với các doanh nghiệp FDI năng động và hiệu quả” - đơn vị khảo sát nhận định.
Cải cách thủ tục hành chính còn nặng tính hình thức
Nhận xét về môi trường đầu tư và kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2019, phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng ở mức chấp nhận được. Một số khía cạnh trong môi trường đầu tư và kinh doanh được doanh nghiệp đánh giá tốt có thể kể đến là quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ (có đến 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá là tốt, 5% đánh giá là rất tốt); tiếp cận vốn; hệ thống thuế và quản lý thuế.
Trong khi đó một số lĩnh vực có tỷ lệ đánh giá kém bao gồm: Cơ sở hạ tầng (30%); hiệu quả của dịch vụ hành chính (29,8%) và tiếp cận đất đai (27,8%).
Vietnam Report cho rằng, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành.
Trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh, đến nay đã có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế. Tính ra có 30% số điều kiện đã được cắt bỏ và sửa đổi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả cải cách thủ tục hành chính còn rất chậm và chưa đi vào thực tế, thực chất. Nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không phải cắt giảm thực sự. Nhiều nơi đã đạt và vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh, nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn còn là vấn đề đặt ra.
Khi được hỏi về những rào cản hoặc thách thức nào có khả năng ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, đa số các doanh nghiệp chọn ra 5 rào cản/thách thức chính bao gồm thủ tục hành chính phức tạp; nỗi lo tăng trưởng kinh tế không ổn định, về tăng gánh nặng thuế; biến động tỷ giá và khó tiếp cận nguồn vốn.
Một số rào cản cụ thể khác mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 14% nhưng cũng rất đáng lưu tâm đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; ràng buộc về hành lang kỹ thuật trong xuất khẩu và vấn đề thuế chống bán phá giá.
Mai Chi
Nguồn: dantri.com.vn