Làn sóng trả mặt bằng: Hết thời nhà phố chỉ cần dán giấy là có khách thuê!

20.06.2020 - Mặc dù đã đưa ra nhiều ưu đãi, giảm giá thuê, thế nhưng, trong suốt nửa đầu năm 2020, nhiều chủ nhà tại Hà Nội vẫn chật vật tìm khách thuê mặt bằng.

Sau gần 2 tháng kết thúc giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trở lại.

Thế nhưng, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhiều mặt bằng cho thuê vẫn “ế”, chưa tìm được đầu ra, bất chấp những ưu đãi “khủng” từ chủ nhà.

“Cọc đi tìm trâu”

Là chủ sở hữu một căn nhà phố 3 tầng, có tổng diện tích sàn là 180 m2, trên đường Tô Ngọc Vân (nằm sát với Hồ Tây), anh Đỗ Huy Hoàng chưa bao giờ nghĩ sẽ lâm vào cảnh "tìm đỏ mắt" vẫn không có khách đến thuê.

Dù các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường nhưng nhiều tuyến phố vẫn đóng cửa, bỏ không do không tìm được khách thuê mới. Ảnh: Vũ Đức Anh

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, mặt bằng của anh Hoàng từng cho một nhà hàng thuê với mức giá lên tới 130 triệu đồng/tháng, và phải đóng theo năm. Tính ra mỗi lần ký hợp đồng, khách hàng phải trả 1,56 tỷ đồng.

Sau khi đại dịch xuất hiện tại Việt Nam, nhà hàng trước kia thuê mặt bằng đã lâm vào cảnh thua lỗ và phải "bỏ cọc chạy lấy người" vào cuối tháng 2/2020.

Để thu hút khách tới thuê, anh Hoàng liên tục giảm giá, từ 130 triệu đồng/tháng, xuống còn dưới 100 triệu đồng/tháng (giảm khoảng 25%), mức giá này sẽ được áp dụng tới hết năm 2020. Thế nhưng, cho tới nay, sau 4 tháng, mặt bằng nhà anh Hoàng vẫn chưa tìm được khách mới tới thuê.

“Không chỉ giảm giá thuê nhà, tôi chấp nhận khách thuê đóng tiền nhà hàng tháng, thay vì hằng năm như trước, đồng thời hỗ trợ thêm tiền điện, nước trong 3 tháng đầu, nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê vừa ý”, anh Hoàng nói.

Thực chất, từ đầu tháng 5, mặt bằng của anh Hoàng đã có một vài khách tới tìm hiểu. Tuy nhiên, do có nhiều sự lựa chọn xung quanh, nên khách thuê thường ép giá chủ nhà rất mạnh tay.

Mặt bằng thuê cao trong khi đó cửa hàng lại ế ẩm khách nên không nhiều người mặn mà. Ảnh: Vũ Đức Anh

Đơn cử, một số khách thuê yêu cầu, anh Hoàng phải miễn phí thuê nhà trong 3 tháng đầu, 6 tháng tiếp theo giá thuê được tính 50% hợp đồng. Ngoài ra, sau 6 tháng, nếu vẫn còn ảnh hưởng từ dịch bệnh, giá thuê sẽ phải giảm 30% cho 6 tháng tiếp theo.

Ngoài ra, một số khách tới tìm hiểu còn đưa ra hàng loạt yêu cầu bất lợi cho chủ nhà như, chỉ đóng tiền cọc 1 tháng, hoặc giảm 50 - 70% tiền cọc, hợp đồng không ghi thời hạn thuê và có thể thay đổi hợp đồng tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh,....

“Mức giá của khách thuê đưa ra rất bất hợp lý và không thể thương lượng được. Vì vậy, tôi chấp nhận đóng cửa để không, và chờ khách mới có mức thương lượng hợp lý”, anh Hoàng nói.

Khảo sát tại một số quận trung tâm ở Hà Nội như: quận Hoàn Kiếm, nơi được mệnh danh là “mảnh đất kim cương” của Hà Nội, nhiều mặt bằng đang giảm giá sâu, có nơi giảm tới 50% giá thuê, nhưng cũng đều lâm vào tình cảnh ế ẩm tương tự.

Bà Nguyễn Thị Lan, một người có thâm niên 10 năm trong lĩnh vực BĐS cho thuê nhận định, thị trường đã có thay đổi rất lớn kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Theo bà Lan, thay vì khách đi tìm mặt bằng kinh doanh như trước, thì nay, chính chủ nhà phải là người đi tìm khách và phải chiều các yêu cầu của “thượng đế”. Bà Lan gọi đây là hiện tượng “cọc đi tìm trâu”.

“Với tình hình “thừa cung, thiếu cầu” như hiện nay, chủ nhà phải chịu thiệt thòi một chút để thị trường ấm dần lên. Tuy nhiên, khách thuê cũng nên san sẻ khó khăn với chủ nhà, không nên ép giá quá sâu, hoặc đưa ra các điều kiện 1 chiều. Tôi cho rằng, hiện nay, mức giảm 30 - 50% là chấp nhận được”, bà Lan nói.

Nghịch lý: Vị trí đẹp, càng gần trung tâm thì càng “ế”

Nếu như trước đây, các tuyến phố “kim cương” của Hà Nội như Hàng Ngang - Hàng Đào, Hàng Buồm, Mã Mây, Bà Triệu, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm); Xã Đàn, Khâm Thiên (Đống Đa);... người thuê mặt bằng phải xếp hàng rất lâu mới tới lượt. Thì nay, mọi chuyện đã đảo nghịch hoàn toàn.

Nhiều cửa hàng trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng ngừng hoạt động, sang nhượng mặt bằng nhưng tới nay vẫn chưa tìm được người cho thuê. Ảnh: Vũ Đức Anh

Hầu hết các mặt bằng có diện tích càng rộng, càng gần trung tâm thành phố thì càng khó tìm người thuê. Trong khi đó, các tuyến phố nhỏ như Lê Thanh Nghị, Trần Đại Nghĩa, Trương Định, Giải Phóng,... số lượng tìm kiếm lại có xu hướng tăng nhẹ.

Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS nhận định, phải tới 90% khách thuê mặt bằng tại khu vực Hoàn Kiếm đều thuộc nhóm ngành liên quan tới dịch vụ du lịch, như đồ lưu niệm, may áo dài, cà phê, khách sạn mini, homestay,... phụ thuộc nhiều vào số lượng khách du lịch quốc tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, lượng du khách quốc tế tới Việt Nam tiếp tục giảm sâu cho tới hết năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc, các mặt bằng cho thuê tại khu vực du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, các tuyến phố nhỏ hơn, gắn liền với dân sinh đang có chiều hướng tăng nhiệt là do tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát, đồng thời, một số doanh nghiệp lớn cũng tranh thủ “bắt đáy”, khi giá thuê vẫn còn đang hấp dẫn.

Giới chuyên gia nhận định, rất khó để đưa ra dự đoán chính xác bao giờ mặt bằng cho thuê mới trở lại ổn định, do còn bị phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới

Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia BĐS vẫn kêu gọi chủ nhà tiếp tục các chính sách giảm giá thuê nhà để kích cầu thị trường. Một số biện pháp có thể áp dụng tạm thời như giảm giá thuê từ 20% - 50%, hỗ trợ tiền thuê nhà từ 1 - 3 tháng, thanh toán tiền nhà thuê theo tháng, gia hạn thời điểm thanh toán thuê.

Đồng thời, chủ nhà, chủ đầu tư nên giảm phí dịch vụ xuống mức tối thiểu và thanh toán theo tháng, cho phép những khách thuê bị áp lực nặng được kết thúc thuê trước ngày hợp đồng hết hạn.

Việt Vũ

Nguồn: dantri.com.vn