Lo ngại dự án phá sản, 60 nhà đầu tư điện mặt trời “kêu cứu” Thủ tướng

25.12.2019 - Trước thực tế khó khăn, một nhóm nhà đầu tư điện mặt trời vừa cùng ký tên vào văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị sớm có cơ chế mới về điện mặt trời…

Nhà đầu tư muốn minh bạch về thực trạng lưới điện

Một bản kiến nghị tổng hợp ý kiến từ đại diện 60 nhà đầu tư dự án điện mặt trời trên cả nước vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Bản kiến nghị này xoay quanh việc đề cập tới những vướng mắc của các dự án điện mặt trời đã và đang được đầu tư hiện nay.

Theo đó, các nhà đầu tư cho rằng, sự nỗ lực của họ vấp phải rào cản do cơ chế chính sách và sự thiếu đồng bộ trong quá trình thực thi các thủ tục đầu tư.

Chẳng hạn như việc chậm trễ ban hành Quyết định mới thay thế khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ 1/7/2019.

Cùng với đó, thời điểm Luật quy hoạch có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã làm trầm trọng thêm tình hình và các dự án chưa được bổ sung quy hoạch buộc phải dừng triển khai.

Đồng thời việc nhiều dự án được đề xuất tại cùng một thời điểm gây ra những khó khăn trong việc đánh giá khả năng hấp thụ của lưới điện làm cơ sở xem xét bổ sung quy hoạch.

Do đó, các nhà đầu tư cho rằng cơ quan quản lý cần công bố rõ ràng về thực trạng lưới điện, khả năng hấp thụ nguồn điện mặt trời của hệ thống điện quốc gia, đảm bảo công khai minh bạch...

Lo ngại rất nhiều dự án phá sản

Theo thống kê được đưa ra tại bản kiến nghị này, tính đến nay đã có 154 dự án với tổng công suất khoảng 10.600MW đã được phê duyệt quy hoạch.

Ngoài ra còn có trên 250 dự án đã được cấp có thẩm quyền cho phép lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và đã trình Bộ Công Thương thẩm định từ 2017 đến nay.

Như vậy theo các nhà đầu tư, sau khi ra đời cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, với vào cuộc quyết liệt của các nhà đầu tư, công suất hoà lưới của các dự án đã vượt xa kỳ vọng về mục tiêu của Chính phủ đặt ra (850MW vào năm 2020).

Mặt khác Việt Nam hiện đang đối diện với nguy cơ thiếu điện trầm trọng trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo báo cáo, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng xem xét cơ chế khuyến khích điện mặt trời để từ nay đến năm 2023 có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 11.400MW công suất điện mặt trời, phù hợp với định hướng phát triển lên khoảng 20.000MW (năm 2030) theo định hướng trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo.

Trong bản kiến nghị, đại diện 60 nhà đầu tư nhấn mạnh rằng nếu không được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, rất nhiều dự án sẽ dẫn đến tình trạng phá sản trong tương lai gần do phải bỏ ra các chi phí trong quá trình triển khai, thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Một trong loạt các đề nghị được gửi tới Chính phủ, 60 nhà đầu tư điện mặt trời mong muốn Chính phủ sớm ban hành Quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời thay thế Quyết định số 11 đã hết hiệu lực để các nhà đầu tư có cơ sở, căn cứ pháp lý để triển khai các bước thủ tục tiếp theo.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận áp dụng biểu giá FIT mua điện từ các dự án điện mặt trời không thấp hơn 7,09 US cent/kWh đối với các dự án điện mặt trời mặt đất và 7,69 US cent/kWh đối với các dự án điện mặt trời nổi...

Trước đó, việc vỡ quy hoạch điện mặt trời cũng đã “nóng” nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Ngoài ra, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực. Kết quả là, các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất.

Hồi giữa tháng 11/2019, Văn phòng Chính phủ cũng đã có kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Kết luận nêu rõ: Bộ Công Thương chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào vào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực gây rất khó khăn trong truyền tải điện.

Việc này cũng làm ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng quyền lợi của các nhà đầu tư. Công tác quản lý đầu tư chưa minh bạch và chưa được quản lý chặt chẽ đồng bộ.

“Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế nêu trên để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý phát triển điện mặt trời cũng như các dạng năng lượng tái tạo khác trong giai đoạn tới”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Nguyễn Mạnh

Nguồn: dantri.com.vn