Lo nghị định chống chuyển giá đánh nhầm đối tượng

21.05.2019 - Quy định khống chế trần lãi vay đang làm khó công ty trong nước, thay vì chống chuyển giá với doanh nghiệp FDI, theo các chuyên gia.

Tại Diễn đàn xu hướng đầu tư bất động sản diễn ra ngày 16/5, các chuyên gia một lần nữa phản ánh về những khó khăn của doanh nghiệp trong ngành về quy định khống chế trần lãi vay được nêu trong khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017 - một văn bản được xây dựng nhằm chống chuyển giá. Theo quy định này, chi phí lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp được trừ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần. Phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng nghị định 20 ảnh hưởng tới doanh nghiệp lớn đặc biệt là các tập đoàn trong nước. Theo ông, hiện mô hình của nhiều doanh nghiệp là tập đoàn đứng ra vay tiền, sau đó cho các công ty con vay lại. Ông cho rằng Nghị định 20 nhằm chống chuyển giá với các doanh nghiệp ngoại nhưng mục tiêu này có thể bị trượt, trong khi lại ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước - vốn là những đối tượng không nằm trong nghi vấn. 

Người dân, doanh nghiệp nộp thuế tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà

Và nếu chính sách này không được điều chỉnh có thể thủ tiêu động lực phát triển, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Ông đề xuất cùng với việc nghiên cứu sửa đổi, ngành tài chính có thể đề nghị dừng quy định này.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng, ông Cấn Văn Lực cho rằng mục tiêu của Nghị định này chưa trúng. Ngoài ra, theo ông, quy định hiện hành nên khống chế mức 20% cũng chưa phù hợp với doanh nghiệp trong nước. Ông dẫn chứng, tại các nước châu Âu có đưa ra quy định tương tự song tỷ lệ khống chế là 30%. 

"Doanh nghiệp Việt Nam đi vay rất nhiều, nên tỷ lệ khống chế tối thiểu theo tôi phải trên 30%. Hơn nữa, thị trường vốn của chúng ta chưa phát triển, nhiều doanh nghiệp chưa phát hành cổ phiếu được. Ở châu Âu, thị trường chỉ dựa 35% vốn ngân hàng, song tại Việt Nam thì tỷ lệ này là 60-65%", ông Lực nói, đồng thời dẫn số liệu phân tích của nhóm chuyên gia tài chính cho thấy 20 doanh nghiệp lớn nhất niêm yết trên sàn đều bị ảnh hưởng bởi quy định khống chế lãi vay nói trên. 

Không chỉ những doanh nghiệp bất động sản, gần đây, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán cũng có văn bản gửi Chính phủ phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực này về điều khoản nói trên tại Nghị định 20.

"Mối quan hệ giao dịch liên kết ở các doanh nghiệp trong nước khác với giao dịch liên kết đa quốc gia. Bởi chi phí của các đơn vị này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam", Hiệp hội này nêu trong văn bản. 

Công ty chứng khoán là doanh nghiệp đặc thù được cấp phép cho vay giao dịch ký quỹ, một hoạt động có tính chất tương tự như hoạt động tín dụng của các nhà băng. Để có nguồn vốn giao dịch ký quỹ thì các công ty này cần đi vay từ tổ chức tín dụng hoặc thực hiện phát hành trái phiếu nên phát sinh chi phí đi vay tương ứng để tài trợ vốn cho hoạt động này. Hiệp hội chứng khoán cho rằng nội dung này chưa đảm bảo công bằng với các công ty trong ngành đang thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ.

"Quy định này gây cản trở đối với doanh nghiệp trong việc huy động vốn để phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô nghiệp vụ cho vay giao dịch ký quỹ", văn bản của Hiệp hội này nêu.

Việc cơ quan quản lý chưa có văn bản hướng dẫn cũng khiến một số cục thuế địa phương lúng túng trong việc triển khai. Doanh nghiệp theo đó cũng gặp khó khăn trong cân đối nguồn vốn phục vụ kinh doanh, làm giảm lợi nhuận - nguồn đóng góp cho ngân sách. Theo Hiệp hội, một số doanh nghiệp có thể thua lỗ kéo dài bởi những quy định này.

Tại hội thảo ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn cho biết, quy định chỉ tiêu lợi nhuận lãi vay khi vay vốn là một trong những giải pháp để đảm bảo người vốn ít cũng như vốn nhiều có công bằng khi vào cùng thị trường, làm một dự án. Nghị định hiện được áp dụng với cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước kêu khó với quy định này. 

"Tôi đồng tình cần xem xét, điều chỉnh như doanh nghiệp phản ánh nhưng cũng phải có những số liệu cụ thể để chứng minh. Ví dụ vốn thực bao nhiêu, áp dụng mức khống chế 20% ảnh hưởng như thế nào, đồng thời sẵn sàng công khai minh bạch các con số này?...", ông Phụng nói.  

Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia, doanh nghiệp đề cập đến vấn đề quy định khống chế trần lãi vay 20% gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Trước đó, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng công ty lắp máy Việt Nam... đều cho biết đang lúng túng khi thực hiện vì quy định này có thể khiến họ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nghị định 20/2017 được xây dựng nhằm chống chuyển giá, chống các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) lợi dụng chi phí lãi vay để chuyển lợi nhuận từ Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, các tập đoàn, tổng công ty và các công ty thành viên lại gặp nhiều vướng mắc nhất dù đây là những đơn vị không có hoặc rất ít động cơ chuyển giá thông qua việc sắp xếp các giao dịch vay. 

Nguyễn Hà