Luật không cấm xây nhà "ba chung", Tp.HCM bối rối

06.01.2019 - Tại Tp.HCM, những căn nhà ba chung (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà) đang xuất hiện tràn lan đi cùng với nhiều hệ luỵ. Vậy nhưng lãnh đạo các địa phương vẫn rất bối rối trong việc quản lý loại nhà này.

Tình trạng xây dựng mua bán nhà đồng sở hữu theo hình thức lập vi bằng, mua bán giấy tay xuất hiện khá rầm rộ tại Tp.HCM thời gian qua. Loại nhà ba chung xuất hiện nhiều ở quận 9, 12, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh… đồng thời được rao bán ở nhiều nơi. Loại nhà ở này không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nên không chỉ mang đến rủi ro cho người mua mà còn khiến bộ mặt đô thị bị ảnh hưởng. Vậy nhưng, các địa phương phát sinh loại nhà ở này lại đang bối rối, chưa có phương án xử lý.

Vẫn cấp phép xây dựng cho nhà ba chung

Trong cuộc họp với Sở Xây dựng Tp.HCM mới đây, ông Võ Thành Khả, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, xác nhận trong quá trình quản lý, huyện thấy có tình trạng người dân mua bán nhà, đất theo hình thức đồng sử dụng. Trường hợp mua bán giấy tay cũng đã xuất hiện (như tại hẻm 148 đường Nguyễn Bình, xã Phước Lộc). Huyện đã gửi báo cáo lên các sở, ngành và UBND TP. Mặc dù huyện nắm rõ người dân xây dựng nhà ba chung không phải để ở mà chỉ kinh doanh nhưng vẫn không thể không cấp phép xây dựng vì các luật dân sự, đất đai, nhà ở hiện hành đều không cấm người dân được chung quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản.

Còn theo lãnh đạo UBND quận Thủ Đức, số hồ sơ xin xây dựng dạng nhà ba chung đang xuất hiện rất nhiều. Quận không thể từ chối cấp phép xây dựng dù biết người dân đang lách các quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý vẫn biết người dân bán nhà đồng sở hữu nhưng cũng không thể ngăn cấm vì được luật cho phép. Hơn nữa, luật hiện hành cũng không giới hạn bao nhiêu người được cùng đứng tên trên sổ đỏ, không quy định mỗi người được sử dụng bao nhiêu đất.


Nhà ba chung mọc lên như nấm trên địa bàn Tp.HCM. Ảnh: Sơn Sơn

Chưa kể, các quy định tại luật Xây dựng và các văn bản có liên quan cũng chỉ đề cập đến chiều cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi, phù hợp với mục đích và quy hoạch sử dụng đất chứ không giới hạn số lượng phòng, diện tích của một căn nhà cụ thể. Vì thế, địa phương không tìm được cơ sở nào để từ chối cấp phép xây dựng cho người dân trong những trường hợp nêu trên.

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận 9, cho biết quận vẫn cấp phép cho người dân trên địa bàn khi họ xin phép xây dựng kiểu nhà ba chung. Bởi không có quy định nào của pháp luật cấm giao dịch liên quan đến quyền đồng sử dụng đất, cùng sở hữu nhà ở.

Chỉ có thể cảnh báo

Vì vẫn được cấp phép nên thời gian qua hàng loạt khu phân lô, bán nhà ba chung mọc lên dày đặc tại Tp.HCM dù chỉ thông qua hình thức lập vi bằng hoặc mua bán nhà giấy tay. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, nhiều đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai… gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại.


Mua nhà ba chung bằng vi bằng, người dân có thể gặp nhiều rủi ro. Ảnh: Sơn Sơn

Thực trạng trên đã khiến UBND huyện Hóc Môn mới đây phải đưa ra cảnh báo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi mua nhà đất trên địa bàn bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại để không rơi vào lừa gạt, tranh chấp.

Một vị lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn xác nhận hình thức mua bán này là chưa đúng với quy định của pháp luật. Đã xuất hiện trường hợp chủ nhà dù đem tài sản thế chấp ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác bằng giấy tay nhưng vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất. Hành vi này dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiến người dân chịu thiệt hại lớn về tài sản.

Hiện nay Sở Tư pháp TP đã ra lệnh cấm việc cố tình lập vi bằng mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận nền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền đối với tất cả các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn. Ngoài ra, các văn phòng thừa phát lại cũng không được phép lập vi bằng xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có sổ đỏ nhằm chuyển quyền sử dụng và quyền sở hữu cho người khác. Nếu phát hiện có vi phạm, các văn phòng thừa phát lại sẽ bị xử lý và chấn chỉnh theo quy định pháp luật.

Còn theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, dù vẫn phải cấp phép xây dựng cho nhà ba chung nhưng phải đảm bảo theo quyết định 60 của TP về tách thửa. Việc cấp phép cũng phải xem xét kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đảm bảo những khu nhà này được xây dựng và quản lý đúng theo quy hoạch, đảm bảo hạ tầng và các tiêu chuẩn về nhà ở, không trở thành những khu ổ chuột mà hậu quả sau này lại do chính người mua nhà phải gánh chịu. Với quản lý các địa phương, trước mắt chỉ có thể cảnh báo để người dân biết sự thật về nhà ba chung, giải thích mua bán lập vi bằng có đảm bảo pháp luật và được bảo vệ hay không, để người dân tránh rủi ro khi mua nhà ở dạng này.

(Theo Thanh Niên)
Nguồn: batdongsan.com.vn