Lý do giá bất động sản nhiều nơi tăng mạnh

23.03.2022 - Chuyên gia nhìn nhận, nhu cầu xem bất động sản như là kênh đầu tư giữ tiền của nhà đầu tư đang rất lớn trong bối cảnh thị trường nhiều bất định.

Tại sự kiện về giải mã những cơn sốt đất hôm 23/3, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam đánh giá, tình trạng giá đất tăng đang xuất hiện và lan rộng ở phạm vi lớn hơn trước.

Số liệu của CBRE cho thấy, cuối năm 2021 đến nay, giá đất đã tăng trên diện rộng, lan ra các khu vực lân cận TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An. Cơn sốt giá cũng xuất hiện ở khu vực Tây nguyên như Bảo Lộc, Buôn Ma Thuột. Một số tỉnh miền Bắc, miền Trung cũng có sốt đất cục bộ. Trước đó, ở giai đoạn 2018-2019, sốt đất thường tập trung ở một số khu vực ở TP HCM như quận 9, Thủ Đức, do có các dự án lớn.

Bất động sản khu Nam TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Kiệt cho biết, nguyên nhân là trong 2 năm qua, dù kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng lớn do Covid-19 vẫn có sự tăng trưởng. Các thông tin quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, dự án cũng được công bố, nhiều địa phương cũng tích cực triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút được doanh nghiệp ngoại đến đầu tư khu công nghiệp, dự án nghỉ dưỡng...

Những yếu tố này khiến nhà đầu tư chú ý, đặt ra chiến lược đón đầu. "Giá đất theo đó được đẩy lên cao do tình trạng mua đi bán lại nhanh", ông nói.

Mặt khác, trong bối cảnh rủi ro lạm phát cao, các nhà đầu tư cũng có nhu cầu lớn tìm một kênh neo giữ tài sản mà bất động sản thường là kênh đầu tiên được nghĩ đến. Trong đó, đất nền luôn là phân khúc có nhu cầu cao do tính thanh khoản lớn, tốc độ sinh lợi nhanh.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, nói nguồn lực của các nhà đầu tư Việt Nam hiện rất lớn. Sau đợt tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư muốn chuyển lợi nhuận sang bất động sản, bởi hai kênh này giống như hai chiếc bình thông nhau.

"Các yếu tố địa chính trị như căng thẳng Nga – Ukraine, Covid-19, lạm phát, khó khăn trong kinh doanh khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp phải tìm lời giải cho bài toán đầu tư sinh lời, ít rủi ro hơn", ông nói và thừa nhận bất động sản là kênh nổi bật.

Trong khi nhu cầu đầu tư lớn, nguồn cung tại các đô thị lớn trong những qua theo ông Chánh "luôn thiếu hụt".

Chính sách địa phương ngặt nghèo đã hạn chế nguồn cung trong khi những quỹ đất có sẵn tại nội đô đã gần như đạt ngưỡng. Điều này dẫn đến tình trạng sóng chuyển dịch, săn lùng quỹ đất ở các tỉnh, nhất là khu vực mới nổi của các nhà đầu tư khiến giá đất ngày một bị đẩy lên cao.

Tuy nhiên, đại diện của CBRE cũng lưu ý, giá đất tăng nhanh, sốt đất xuất phát nhiều từ yếu tố tâm lý. Bên cạnh những khu vực có tiềm năng tăng giá, quy hoạch cụ thể cũng có nơi chỉ là thông tin đồn thổi, tạo ra cơn sốt đất ảo, khiến không ít nhà đầu tư bị "mắc kẹt".

Bà Đỗ Hương Giang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Property X của Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, dù đầu tư vào thị trường bất động sản có cơ hội lớn, các nhà đầu tư cần chú trọng yếu tố an toàn, bền vững.

Đơn cử với phân khúc đất nền ở các tỉnh vùng ven, bà cho rằng các nhà đầu tư nên chọn những sản phẩm có quy hoạch rõ ràng, được chính quyền xác nhận hay quy hoạch dự án của chính chủ đầu tư với tình hình tài chính doanh nghiệp ổn định, có kế hoạch đầu tư dài hạn. "Đã qua thời mua đất bất chấp và mạo hiểm", bà nói.

Nói thêm về thị trường bất động sản năm nay, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, xu hướng giá sẽ tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng nhanh hay chậm phụ thuộc vào khả năng hấp thụ, độ chấp nhận của thị trường. Nguồn cung năm 2022 cũng sẽ được cải thiện, tạo đà tăng cho giai đoạn tới đây.

Ông cũng cho rằng các bất động sản nhà ở tầm trung hoặc thấp cấp cũng là một phân khúc đầu tư tốt khi xu hướng thị trường đang tập trung vào nhu cầu ở thực. Bên cạnh đó, mảng bất động sản cho thuê cũng đang dần phục hồi khi Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, do phân khúc này có sự cạnh tranh mạnh nên nhà đầu tư cần chú ý lựa chọn khu vực, sản phẩm có tiến độ xây dựng phù hợp cũng như đưa ra mức giá cho thuê hợp lý.

Nguồn: vnexpress.net