Nghịch lý nhà tái định cư bỏ hoang giữa lòng Thủ đô

31.05.2019 - Dù nằm ở Thủ đô của đất nước, nhưng vẫn có hàng loạt nhà tái định cư đang bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có gần 170 tòa nhà tái định cư (TĐC) được hoàn thành với khoảng 14.000 căn hộ. Tuy nhiên, nhiều tòa nhà TĐC lại rơi vào tình trạng sụt lún, hư hỏng kéo dài, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì tê liệt..., làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Tình trạng sụt lún, hệ thống PCCC gần như không hoạt động được đang diễn ra tại các khu TĐC Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Đồng Tàu, Đền Lừ, Long Biên, Việt Hưng, Láng Thượng, Chùa Láng… Không chỉ vậy, môi trường xung quanh các khu vực này còn bị ô nhiễm nghiêm trọng vì chất thải xả thẳng ra, toàn bộ khu vực tầng 1 bị lấn chiếm hết bởi những hàng quán bán đồ ăn...

“Từ ngày đầu tiên bàn giao nhà cho đến nay, dân chưa thấy Ban quản lý tòa nhà tập huấn hay diễn tập công tác PCCC. Cả tòa nhà chỉ thấy có một bình cứu hỏa đặt ở phòng bảo vệ. Nếu không may xảy ra sự cố cháy nổ, không biết tòa nhà sẽ xử lý thế nào?”, anh Quang Hưng, người đang sinh sống tại chung cư TĐC Láng Thượng bày tỏ.


Nhiều dự án nhà tái định cư tại Hà Nội bị bỏ hoang dù đã hoàn thiện

Hệ thống báo cháy tại nhiều khu vực nhà TĐC như Đền Lừ, Đồng Tàu, Xa La, Nam Trung Yên, Thanh Xuân... cũng đều rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Tất cả các tòa nhà ở những khu tái định cư này đều bị sụt lún, tạo nên những hố nguy hiểm, khiến dân cư trong tòa nhà luôn phải sống trong tâm trạng bất an.

Không chỉ xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nhà TĐC ở Hà Nội còn bị bỏ hoang, khiến người dân không khỏi xót xa, tiếc nuối. Nằm ngay giữa quận nội đô thành phố, nhưng tòa nhà tái định cư 20 tầng, được xây dựng đẹp đẽ trên con phố trung tâm Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng) vẫn bị bỏ hoang suốt nhiều năm nay.

Dự án TĐC này được đầu tư bởi Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà, có quy mô khoảng 154 căn hộ. Sau nhiều năm bỏ hoang, dự án tiếp tục được chủ đầu tư hoàn thiện vào năm 2015. Tưởng rằng, tòa nhà ở vị trí trung tâm sẽ được người dân hân hoan chào đón, nhưng không, lại gần 4 năm nữa trôi qua, tòa nhà vẫn trong tình trạng hoang vắng.

Cùng chung tình trạng này, toà TĐC C1 (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), được thực hiện bởi Công ty Vinaconex 1 cũng đang bị bỏ hoang dù đã được hoàn thành. Còn tại khu chung cư TĐC Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3, mới chỉ có vài hộ dọn về ở, dù đã hoàn thiện về cơ bản.

Khi được hỏi về thực trạng trên, đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - đơn vị được giao quản lý, vận hành nhà TĐC cho hay, tại Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở, đối với loại hình nhà TĐC, chỉ có 6 hạng mục được bảo trì là: thang máy, máy bơm nước sinh hoạt, hệ thống PCCC, máy phát điện, hệ thống chống sét và mặt ngoài tòa nhà. Do đó, Công ty chỉ có trách nhiệm tập hợp ý kiến và nguyện vọng của người dân kèm theo dự toán để trình lên Sở Xây dựng xem xét quyết định. Có nhiều hạng mục cần sửa chữa nằm ngoài thẩm quyền của công ty.

Còn theo các chuyên gia xây dựng, sở dĩ nhà TĐC vẫn còn bị bỏ hoang nhiều là do chủ trương đầu tư xây dựng chưa sát với tình hình thực tế. Chính sách TĐC là rất cần thiết trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng thành phố. Tuy nhiên, chính sách xây nhà TĐC lại chưa thực sự phù hợp, chưa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường.

Nhà TĐC hiện vẫn được hiểu là sản phẩm do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Vì vậy, nhiều khi sản phẩm nhà TĐC chỉ là ý tưởng được cá nhân cán bộ lãnh đạo đưa ra chứ không phải được thực hiện dựa trên nhu cầu thực của nhân dân.

Bộ Xây dựng trước đó từng đề xuất bỏ khái niệm “nhà tái định cư”, đồng thời, không cấp phép xây dựng cho các dự án nhà TĐC mới. Thay vào đó là những dự án nhà ở xã hội có dành tỷ lệ căn hộ nhất định để phục vụ cho nhu cầu TĐC. Nhưng đề xuất này đã bị lãng quên khi vẫn có các dự án nhà TĐC mới được TP. Hà Nội cấp phép xây dựng, bất chấp thực tế vẫn đang có nhiều nhà TĐC bị bỏ hoang.

Để giải quyết những tồn tại, bất cập trong đầu tư xây dựng, quản lý quỹ nhà TĐC một cách triệt để, một số chuyên gia xây dựng cho rằng, cùng với việc xử lý những vấn đề về chất lượng xây dựng, kinh phí duy tu, bảo dưỡng... việc xây dựng nhà TĐC cần phải gắn liền với các công trình dịch vụ công cộng và khuyến khích người dân nhận đền bù bằng tiền để tự lựa chọn ngôi nhà ở phù hợp với nhu cầu.

Đồng thời, cũng nên xem nhà TĐC là một sản phẩm hàng hoá được đưa ra thị trường, cần thực hiện theo phương thức xã hội hoá, khi đó, mới đánh giá được đúng chất lượng. Nếu không, các khu TĐC cũng sẽ giống như các khu tập thể cũ được đưa vào sử dụng từ 50-60 năm trước đây.

(Theo Báo Xây dựng Online)

Nguồn: Batdongsan.com.vn