Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường bất động sản thời gian qua tương đối ổn định, lành mạnh hơn thời kỳ trước năm 2010 vì chủ đầu tư và các nhà quản lý đã rút ra những bài học nhất định.
Ông Nguyễn Trần Nam nhận định, thị trường bất động sản về trung và dài hạn sẽ rất tốt
Theo dự báo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam từ cuối năm 2018, thị trường đã và sẽ có những khó khăn nhất định, đồng thời có dấu hiệu giảm sút. Số liệu thống kê cho thấy, nửa đầu năm 2019, nguồn cung một số phân khúc đã sụt giảm. Cùng với những khó khăn đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ phải chịu tác động từ những chính sách về tín dụng, pháp lý.
Chủ tịch VNREA đã gửi một số thông điệp đến các doanh nghiệp hội viên tại Hội nghị Gặp mặt Hội viên năm 2019 mới đây.
Theo Chủ tịch VNREA, dư địa phát triển nhà ở của nước ta còn rất lớn
Trước hết, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, đồng thời thuộc top dẫn đầu khu vực về sự gia tăng nhu cầu nhà ở. Cơ cấu dân số là nguồn cầu chính và bền vững của thị trường nhà ở Việt Nam do xuất phát từ nhu cầu ở thực. Dự báo, cuối năm 2019 và trong trung hạn (2020-2022), thị trường có nguy cơ sẽ tiếp tục thiếu hàng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước là 38%, của Hà Nội là 53%. Con số này tại Trung Quốc, Thái Lan là 65%. Điều này cho thấy dư địa phát triển nhà ở và các văn phòng, công trình dịch vụ xã hội của nước ta còn rất lớn.
Ông Nam cho rằng, trong trung và dài hạn, điểm sáng thị trường là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới.
Trước những vấn đề nảy sinh liên quan đến thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm sửa đổi, ban hành khung pháp lý để đảm bảo phù hợp.
Cũng theo ông Nam, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, thời gian tới cần hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
"Thị trường của chúng ta về trung và dài hạn sẽ rất tốt, tốc độ đô thị hóa còn độ mở rất lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi năm có 1 triệu người chuyển từ khu vực nông thôn sang các khu đô thị. Tâm lý người dân thích dành dụm mua nhà. Điều quan trọng là cung ứng được cho cầu này một cách có chất lượng. Và do đó, các doanh nghiệp cần làm ăn chân chính hơn, chuyên nghiệp hơn, nghiêm túc chấp hành pháp luật", ông Nam nhấn mạnh.