Nghịch lý, giá đất giảm nhưng thị trường vẫn... ảm đạm
Do đẩy mạnh thanh, kiểm tra các dự án bất động sản, kể từ tháng 3/2019, tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản Đà Nẵng đã có dấu hiệu chững lại, giá bán tại các dự án bắt đầu hạ nhiệt.
Cho tới cuối năm 2019, thị trường bất động sản Đà Nẵng tiếp tục bị “sốc” trước thông tin dự án Cocobay vỡ trận. Rất nhiều nhà đầu tư của Cocobay “rút chân không kịp” dẫn tới thua lỗ, thiệt hại nặng tài sản.
Tại thời điểm đó, giới đầu tư bất động sản vẫn khá lạc quan và kỳ vọng thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ sớm vượt qua cú “sốc” và hồi phục trở lại vào cuối năm 2020.
Thế nhưng, bước sang năm 2020, bất động sản Đà Nẵng tiếp tục “xì hơi” một lần nữa, do ảnh hưởng từ dịch cúm Covid-19.
Giá đất tại Đà Nẵng đã giảm nhưng thị trường vẫn... ảm đạm. Ảnh: Tâm An
Theo khảo sát của PV báo Dân trí, tại một số khu vực Đà Nẵng, giá đất nền và giá đất tại một số dự án đã giảm từ 20 - 25%, cụ thể tại Hòa Xuân giá đất giảm từ 42 triệu đồng/ m2 xuống còn 30 - 32 triệu đồng/ m2; một số dự án khác tại quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn cũng giảm xuống dưới 30 triệu đồng/ m2.
Mặc dù giá đã giảm, tuy nhiên thị trường giao dịch tại Đà Nẵng vẫn vắng bóng nhà đầu tư.
Theo bà Đặng Thu Nga, đại diện của một sàn giao dịch bất động sản Đà Nẵng cho biết, so với cách đây 2 năm, số lượng nhà đầu tư tìm hiểu về Đà Nẵng đã giảm một nửa.
Thậm chí, số lượng nhà đầu tư tìm hiểu về phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã giảm 70%. Bà Nga khẳng định, không chỉ Đà Nẵng đang gặp khó khăn, mà còn lan sang cả thị trường Quảng Nam.
Vì sao bất động sản Đà Nẵng lại “xì hơi”?
Có cùng nhận định trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, khác với nhiều địa phương, giá đất nền tại Đà Nẵng chưa bao giờ bị “ngáo giá”.
Ngay cả thời điểm thị trường đang trong giai đoạn “hot” nhất, giá đất nền hoặc giá đất tại một số dự án “khủng” của Đà Nẵng cũng ổn định, giao động trong khoảng 30 - 40 triệu đồng/ m2.
“Theo một số nghiên cứu của chúng tôi và tham khảo một số doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng, một số dự án ngày trước có giá 30 - 40 triệu đồng/ m2, thì nay đã hạ còn 20 - 25 triệu đồng/ m2. Đây là một mức giá rất hấp dẫn cho nhà đầu tư muốn tham gia thị trường. Tuy nhiên có nghịch lý là, mặc dù giá đã giảm, nhưng thị trường vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại”, ông Đính nói.
Theo các chuyên gia có nhiều nguyên nhân khiến cho BĐS tại Đà Nẵng vắng bóng nhà đầu tư. Ảnh minh họa
Bên cạnh hai yếu tố Cocobay vỡ trận và dịch cúm Covid-19, ông Đính cho biết, còn một yếu tố khác khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng giảm mạnh về giá và số lượng nhà đầu tư, đó là yếu tố từ công tác quản lý, thiếu đồng bộ của các cơ quan chức năng Đà Nẵng.
Theo ông Đính, tại Đà Nẵng hiện nay, có hàng nghìn dự án bất động sản đang gặp rắc rối về pháp lý. Nhiều dự án đã hoàn thiện, đủ pháp lý để bán ra thị trường, nhưng bây giờ đang bị rà soát lại, chưa được phép bán. Hoặc, một số dự án đang bước sang giai đoạn hoàn thiện, cũng bị khoanh vùng và phải dừng thi công.
Theo ông Đính, sở dĩ có hiện tượng như vậy là do chính quyền Đà Nẵng trong nhiệm kỳ hiện tại đang cố chữa cháy các “di sản” mà thế hệ lãnh đạo trước đã thực hiện chưa đúng quy trình.
“Ở giai đoạn trước, khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản Đà Nẵng, nộp tiền trước sẽ được miễn 10% tiền thuế, thì nay, cơ quan chức năng rà soát lại và bắt bổ sung thêm tiền thuế. Vì vậy, mới có hiện tượng có cư dân đã có sổ đỏ rồi, nhưng bắt nộp thêm tiền thuế để sửa lại sổ”, ông Đính cho biết.
Cũng chính vì các lý do trên mới có hiện tượng, giá đất giảm mạnh, song nhà đầu tư vẫn bỏ rơi thị trường Đà Nẵng: “Nhà đầu tư khi tham gia thị trường rất kỵ các vấn đề liên quan tới pháp lý”, ông Đính nói thêm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia bất động sản vẫn tin tưởng, trong thời gian tới, thị trường Đà Nẵng chắc chắn sẽ khởi sắc trở lại.
Ông Đính phân tích, thứ nhất, cở sở hạ tầng của Đà Nẵng tương đối hoàn thiện; thứ hai, ngành du lịch Đà Nẵng rất phát triển, tạo điều kiện cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng “nóng” trở lại.
“Để làm được điều này, trước hết Việt Nam và Đà Nẵng sẽ phải không chế được dịch Covid-19. Để làm được như vậy, Đà Nẵng cần ít nhất 1 - 2 năm nữa để hồi phục”, ông Đính nói.
Ngoài ra, mới đây, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung”.
Đây chắc chắn sẽ là một động lực rất lớn về chính sách, để bất động sản Đà Nẵng hấp dẫn nhà đầu tư trở lại.
Việt Vũ
Nguồn: dantri.com.vn