Từ Alibaba đến Angel Lina...
Năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) "dậy sóng" vì hàng loạt dự án ma của Tập đoàn Địa ốc Alibaba. Sau nhiều năm tung hoành đất nền ở thị trường vùng ven của TPHCM, Alibaba đã đưa hàng người “sập bẫy”.
Điều gì đến đã đến. Tháng 9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố và bắt giữ Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba, em ruột của Luyện) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 30/6, công ty Alibaba và các công ty con đã ký kết hợp đồng mua bán đất với 6.700 khách hàng, chiếm đoạt tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng.
Tháng 9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố và bắt giữ Nguyễn Thái Luyện
Tiếp đó, tháng 11/2019, Công an TPHCM tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư Angel Lina) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo đó, vào năm 2017, thông qua hành vi sử dụng pháp nhân của Công ty Angel Lina, Công ty Đất vàng Hoàng Gia, Nhung đã ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc hứa hẹn mua bán các nền đất của 9 dự án không có thật tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM.
Nhung đã tìm những người có nhu cầu bán đất với diện tích lớn bao gồm: đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm… để thỏa thuận mua bán rồi ký biên bản đặt cọc hứa mua hứa bán để tạo niềm tin.
Với những loại đất này, Nhung không chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cũng không được các cơ quan nhà nước cấp phép, phê duyệt. Sau đó, Nhung vẽ ra quy hoạch chi tiết 1/500… rồi tiến hành phân lô và cho quảng cáo để thu hút người dân.
Sau khi nhận tiền cọc từ khách hàng, Nhung cho ký hợp đồng bằng hình thức góp vốn với nhiều cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, khi lấy được tiền của khách hàng, Nhung không thực hiện dự án, không hoàn trả lại tiền, đưa ra nhiều lý do lẫn tránh nhằm chiếm đoạt tài sản của người mua với số tiền lớn.
Hành vi sai phạm của Phạm Thị Tuyết Nhung đã cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ước tính số tiền bà Nhung chiếm đoạt của khách hàng vào khoảng 285,6 tỉ đồng.
Thị trường khủng hoảng niềm tin vì quá nhiều công ty lừa đảo
CEO làm liều "xé rào"
Ngày 26/2, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi), Tổng giám đốc và Hoàng Anh Vui (26 tuổi), Giám đốc pháp lý của Công ty Bình Dương City Land (P.Hoà Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể, Công ty Bình Dương City Land đã lập ra nhiều dự án “ma” mang tên khu dân cư Happy Home (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) và khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư Green City, khu dân cư Green City 2… (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).
Bình Dương City Land lừa đảo nhiều người
Các dự án này chỉ ở dạng mới lập hồ sơ xin chủ trương. Do không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nên cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương chưa tiếp nhận.
Mặc dù đa phần các dự án không có tên trong hồ sơ dự án đất nền, nhà ở trên địa bàn tỉnh nhưng Công ty địa ốc Bình Dương City Land vẫn rao bán và ký kết với khách hàng.
Người mua đất phải nộp trên 90% giá trị khi mua đất của Công ty Bình Dương City Land (trên 300 triệu/nền). Tuy nhiên, sau đó không khách hàng nào được giao đất vì các dự án trên đều chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép phê duyệt.
Tại nhiều khu đất mà Công ty Bình Dương City Land giới thiệu dự án đến khách hàng được bao quanh bởi rừng cao su, hạ tầng kỹ thuật chưa có, hiện chỉ là một miếng đất trống được san ủi trước đó.
Mới đây nhất, ngày 27/2, Công an TPHCM đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bà Vũ Bảo Trinh (người điều hành), Tô Văn Chí Tâm (nguyên Giám đốc Công ty Nam Thị) và Hoàng Thái Anh (nguyên Giám đốc Công ty Nam Thị).
Kết quả điều tra ban đầu cho biết, có khoảng 30 căn hộ tại chung cư La Bonita đã được bà Vũ Bảo Trinh và cùng một số người khác lừa bán cho nhiều người, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng.
Vào năm 2018, người mua căn hộ tại La Bonita đã có đơn tố giác hành vi của các đối tượng nói trên. Các đối tượng nói trên đã thay đổi tên, ký hiệu căn hộ và thay đổi chủ sở hữu, người đại diện doanh nghiệp để khách hàng lầm tưởng mua căn hộ, sàn thương mại khác nhau.
Chính việc làm này, đã dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện suốt nhiều năm qua. Các khách hàng nhiều lần yêu cầu Công ty Nam Thị giải quyết và hứa hẹn sẽ trả lại căn hộ hoặc trả lại tiền nhưng thực tế không có kết quả.
Vũ Bảo Trinh đem một căn hộ bán cho nhiều người
Nên vui hơn lo
Việc hàng loạt phi vụ lừa đảo bất động sản và các CEO "xộ khám" đã làm ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin của khách hàng vào thị trường nhà đất.
Ông Thái Viễn, chuyên gia mối giới bất động sản cho rằng, trước việc thị trường đang trở nên ảm đạm, cũng là lúc nhiều công ty kinh doanh gian dối sẽ bộc lộ nhiều sai phạm.
Đây cũng là lúc các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh đối với nhưng công ty lừa đảo người dân để làm trong sạch thị trường. Góp phần giúp lành mạnh và tốt hơn cho thị trường khi trở lại đà phát triển.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Asian Holding cho rằng, việc các doanh nghiệp bất động sản làm ăn lừa đảo và lãnh đạo bị bắt cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật. Làm sai thì phải trả giá.
"Nếu để sai phạm cứ tiếp tục nhởn nhơ thì mới là mối lo. Còn việc lừa đảo và bị xử lý như những trường hợp nêu trên thì đó là tín hiệu đáng mừng, góp phần làm trong sạch và thanh lọc thị trường", ông Hậu nói.
Quế Sơn
Nguồn: dantri.com.vn