Nhiều tồn tại trong phát triển hệ thống đô thị Đà Nẵng

12.10.2023 - Các khu vực phát triển đô thị vùng ven trung tâm TP Đà Nẵng đang hình thành và phát triển nhanh chóng, tuy nhiên chưa có sự liên kết về mặt phát triển kinh tế-xã hội, dẫn đến hình thành nên các điểm rời rạc, không tập trung.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành để hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần 2, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các chức năng đô thị tương đối phù hợp với quy hoạch  

Trong hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng đã đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống đô thị theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 của TP.

Cụ thể, Đà Nẵng là một trong 12 tỉnh, TP có tỷ lệ đô thị hóa và tỷ lệ dân số đô thị cao nhất cả nước; với tính chất là đô thị trọng điểm vùng miền Trung và Tây Nguyên, là nơi tập trung lực lượng lao động lớn và có xu hướng cư trú lâu dài. Trong đó, dân cư đô thị tập trung chủ yếu ở 6 quận trung tâm và mật độ cao nhất tại quận Thanh Khê với 19.712 người/km2, quận Hải Châu là 8.746 người/km2.

Cấu trúc đô thị hiện trạng TP Đà Nẵng theo dạng đơn tâm với lõi trung tâm đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ tập trung quanh trung tâm phố cũ thuộc quận Thanh Khê và Hải Châu và trải dọc theo bờ biển và Quốc lộ 1 theo hướng Bắc - Nam. Theo đó, lấy hạt nhân là khu vực quận Thanh Khê và Hải Châu làm trung tâm văn hóa, hành chính, thương mại dịch vụ, từ đó phát triển ra các vùng xung quanh với những chức năng được tổ chức hợp lý dựa trên điều kiện tự nhiên và liên kết về giao thông.

Một góc đô thị Đà Nẵng nhìn từ trên cao.

“Các chức năng đô thị được định hình tương đối phù hợp với quy hoạch lãnh thổ, mang đặc trưng một đô thị ven biển. Việc hình thành các khu công nghiệp, cảng biển và logistics bám xung quanh các đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy. Các khu du lịch hình thành trên cơ sở khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan khu vực. Khu dân cư và các trung tâm thương mại, dịch vụ được hình thành trên cơ sở kế thừa, kết nối những đặc trưng văn hóa, con người khu vực” – hồ sơ nêu.

Trong khi đó, phân bố dân cư đô thị TP Đà Nẵng là đặc trưng cho sự phát triển thế mạnh về điều kiện tự nhiên, với việc hình thành đô thị tập trung, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó cũng bảo tồn được những cảnh quan tự nhiên khu vực phía Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành những hoạt động du lịch và các chức năng khác của đô thị.

Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng chỉ ra những điểm chưa phù hợp. Cụ thể ở khu vực ven đô thị, quá trình đô thị hóa chưa phù hợp với quy luật chuyển đổi cấu trúc từ mô hình nông thôn sang mô hình đô thị mới dẫn đến những bất cập về không gian sống, sinh hoạt và sản xuất.

Quá trình đô thị hóa cũng phần nào làm suy giảm bản sắc tự nhiên các khu vực nông thôn. Tiểu vùng miền núi dân cư thưa thớt, nhưng có đặc trưng văn hóa dân tộc Cơ Tu đặc sắc cần bảo tồn gắn với hệ sinh thái rừng thành vành đai xanh bảo về thành phố.

Nhiều tồn tại

Bên cạnh những thành tựu thì trong quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng cũng bộc lộ nhiều tồn tại. Cụ thể, về hệ thống đô thị: các khu vực phát triển đô thị vùng ven trung tâm TP đang hình thành và phát triển nhanh chóng, tuy nhiên chưa có sự liên kết về mặt phát triển kinh tế-xã hội, dẫn đến hình thành nên các điểm rời rạc, không tập trung.

Ngoài ra còn bị thách thức bởi những hạn chế phát triển do địa hình đồi núi ở phía Tây và các khu vực tự nhiên bị chia cắt, và sự tập trung phát triển đô thị dọc theo bờ biển, nơi có nhiều cụm khách sạn và khu nghỉ dưỡng nằm dọc ven biển. Điều này dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả, tối ưu được hệ thống hạ tầng cơ sở.  

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa sẽ gia tăng áp lực đến điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông bộ hành, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. “Nếu không có được quy hoạch hợp lý và giải pháp hữu hiệu, sự ùn tắc giao thông, ô nhiễm nước mặt và biển ven bờ sẽ có các tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường cũng như sự phát triển của Đà Nẵng.

Việc phát triển đô thị của TP Đà Nẵng có tốc độ cao nhưng không đồng bộ.

Hồ sơ cũng chỉ ra việc phát triển đô thị của TP Đà Nẵng có tốc độ cao nhưng không đồng bộ. Sự phát triển đô thị sẽ diễn ra về hướng Tây theo hướng tuyến tính dọc theo các con sông và con đường chính, điều này đưa đến kết quả là một đô thị dàn trải và không bền vững.

Trung tâm Đà Nẵng được duy trì và tiếp tục cấu trúc đô thị đơn tâm. Quy hoạch cũ mở rộng các khu dân cư mới về phía Tây. Các khu công nghiệp cũng được mở rộng ở phía Đông Bắc. Tuy nhiên, nhìn chung có một sự mất kết nối giữa nhu cầu đất cho nhà ở và cung cấp việc làm và điều đó thể hiện trên các quy hoạch.

Cụ thể hơn, các khu công nghiệp mới không gần khu dân cư, đòi hỏi giao thông và hạ tầng phục vụ cho công nghiệp. Các khu công nghiệp vẫn kém liên kết với những tỉnh lân cận.

Nhìn chung, cấu trúc TP không tối ưu hóa các tài nguyên chính và bản sắc của Đà Nẵng. Nguyên nhân một phần do Quy hoạch chung (phê duyệt 2011) có những hạn chế và tầm nhìn, nội dung và phương thức tổ chức thực hiện; một phần do chính năng lực thu hút, điều tiết và kiểm soát thực hiện quy hoạch của TP chưa thực sự hiệu quả.

Các vị trí có giá trị chiến lược cao tại khu vực trung tâm và ven trung tâm TP bị ảnh hưởng bởi nghĩa trang và các bãi chôn lấp rác thải. Việc di dời các khu vực này tương đối khó khăn, thêm vào đó quỹ đất dự trữ cho phát triển đô thị hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng của TP với tỷ lệ tăng trưởng tương đối nhanh như hiện nay.

Đặc biệt, Đà Nẵng chưa tận dụng được tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm cảnh quan khu vực phía Tây phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Nguồn: kinhtedothi.vn