Mở bán được gần 2 tháng nhưng số lượng sản phẩm giao dịch chưa đến 20% khiến lãnh đạo một công ty BĐS đang chào bán dự án tại Bình Dương đau đầu tìm giải pháp thu hút người mua giữa mùa dịch bệnh. Theo chia sẻ từ vị lãnh đạo này thì vào thời điểm đầu tháng 7, khi thị trường có tín hiệu tích cực, anh quyết định ra hàng dự án đất nền quy mô tầm trung tại Bến Cát, Bình Dương. Theo dự kiến, tháng 7 sẽ chỉ tập trung làm thị trường, quảng bá và tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tháng 8 mới chính thức đẩy mạnh bán hàng và chốt hợp đồng giao dịch. Tuy nhiên mọi dự định đều "đi tong" khi Covid-19 quay trở lại.
Tâm lý lo ngại bao chùm thị trường khiến giao dịch nhà đất trong thời gian qua giảm mạnh. Ảnh Phương Uyên
“Đợt Covid lần này không khiến tâm lý khách hàng hoang mang hay sợ hãi như lần trước nhưng nó là đòn đau giáng vào kinh tế của nhà đầu tư. Không ai dám mạo hiểm đổ tiền vào BĐS trong tình hình tài chính bấp bênh, càng về các tháng cuối năm nhu cầu tích trữ tiền mặt càng cao. Nhà đầu tư vốn mỏng không dám vay ngân hàng, dân có tiền thì tập trung dự trữ phòng trường hợp kinh tế đi xuống”, vị này cho hay.
Tình hình cũng không mấy khả quan với nhưng doanh nghiệp rao bán căn hộ. Vì áp lực thanh toán mà rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng có ý định mua căn hộ trong quý 2 đã tạm dừng quyết định này khi Covid-19 bùng phát trở lại. “Một lượng không nhỏ nhà đầu tư mua căn hộ là để lướt sóng hay đầu tư ngắn hạn. Trong tình trạng kinh tế mỗi gia đình đều ít nhiều gặp khó khăn, việc thắt lưng buộc bụng là điều dễ hiểu. Mối lo tiến độ thanh toán khiến rất nhiều khách hàng là cả nhà đầu tư và người mua ở thực ngưng giao dịch nhà đất. Nhà đầu tư sợ không thể ra được hàng trong thời gian ngắn, người mua thực sợ áp lực gánh nặng tài chính trong tình hình kinh tế bấp bênh. Điều này khiến nhiều dự án căn hộ rao bán gần đây có sức mua thấp kỷ lục. Nhiều dự án không ra được 50% số sản phẩm dự kiến dù đã áp dụng nhiều chính sách thanh toán hay khuyến mãi linh động.
Nhìn nhận về giao dịch loại hình nhà ở thương mại, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam cho biết, hiện nay hai phân khúc nhà ở chính tại TP.HCM là căn hộ và biệt thự/nhà phố đều chứng kiến sự sụt giảm về lượng giao dịch. Giao dịch căn hộ nửa đầu năm 2020 chỉ đạt hơn 6.800 căn, giảm 55% so với cùng kỳ và là mức giao dịch thấp nhất trong 5 năm qua. Dòng sản phẩm biệt thự/nhà phố dù nguồn cung không nhiều nhưng sức mua cũng giảm 34%. Đối với phân khúc đất nền, nhu cầu đầu cơ gần như đứt gánh vì Covid-19 đã khiến giao dịch của sản phẩm này giảm đến 67% so với cùng kỳ 2019. Thậm chí ở cả những dự án đất nền, nhà phố tạo được sức nóng trên thị trường thì tỷ lệ hấp thụ cao nhất cũng chỉ đạt từ 40-50%.
Lý giải nguyên nhân sự sụt giảm về nhu cầu mua BĐS, bên cạnh yếu tố tác động từ Covid-19, các chuyên gia đầu ngành cho rằng, rào cản nguồn cung và pháp lý cũng đang gây ảnh hưởng đến sức mua của thị trường. Ông Nguyễn Khánh Duy nhận định, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM trên cả hai phân khúc là căn hộ và nhà phố đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Lượng căn hộ trên thị trường sơ cấp 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 9.000 căn giảm 52% so với cùng kỳ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với phân khúc biệt thự/nhà phố, với lượng sản phẩm giảm 43% theo năm xuống còn 3.250 căn/nền. Đất nền giảm mạnh hơn 53%. Thiếu sản phẩm mới làm nguồn hàng thiếu sự đa dạng, người mua mất đi sự lựa chọn. Điều này khiến cả người mua ở thực và giới đầu tư khó tiếp cận nguồn sản phẩm phù hợp cả về giá tiền và vị trí.
Nhu cầu sở hữu nhà ở của người Việt còn rất cao sẽ giúp thị trường BĐS sớm lấy lại sức hút khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh Phương Uyên
Tuy nhiên ông Duy cho rằng, thời điểm khó khăn này, từ một góc nhìn khác, lại là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS không chỉ trong và ngoài nước. Chính phủ đang có những rà soát pháp lý ngày càng chặt chẽ, đây được ví như một tấm màng lọc lớn, nhằm giữ lại cho người dân được lựa chọn và sử dụng những sản phẩm sạch và chất lượng, đồng thời giúp thị trường loại bỏ ngay các công ty môi giới BĐS không uy tín hoặc có năng lực tài chính yếu kém. Khách hàng đang có cơ hội sở hữu BĐS tốt, pháp lý sạch, minh bạch với mức giá cạnh tranh.
Theo giới chuyên gia, BĐS khó có chuyện đóng băng mà sẽ sớm phục hồi trong năm 2021. Nhà đầu tư không quay lưng với nhà đất vì thị trường này hết tiềm năng mà chủ yếu vì yếu tố dịch bệnh tạm thời tạo tâm lý lo ngại và thiếu nguồn hàng hấp dẫn. Hiện nay một lượng lớn dòng tiền dài hạn vẫn đang dừng lại nghe ngóng, chờ đợi cơ hội đổ vào BĐS. Một khi dịch bệnh ổn định thị trường sẽ sớm khôi phục và nhu cầu giao dịch nhà đất có thể bùng nổ trở lại sau thời gian chờ đợi. Có thể trong nửa đầu 2021, khi những tín hiệu tích cực về kiểm soát dịch bệnh được công bố, kinh tế thế giới phục hồi sẽ mang lại những tín hiệu tốt cho thị trường nhà đất.
Nhìn về giải pháp kích cầu cho thị trường trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, nhà nước nên xem xét và mở rộng hơn về chính sách và quy trình thủ tục mua bán BĐS đối với khách hàng người nước ngoài. Đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính - cho phép kí hợp đồng mua bán điện tử, đơn giản hóa việc thanh toán tiền mua bất động sản, cho phép đóng các loại thuế phí trực tuyến, minh bạch và đơn giản hóa những thủ tục... sẽ tạo điều kiện phát triển tốt hơn cho không chỉ lĩnh vực BĐS nhà ở thương mại, mà còn cho cả nền kinh tế nói chung.
Phương Uyên
Nguồn: batdongsan.com.vn