Người Việt ngày càng chuộng ở chung cư hơn nhà phố
Báo cáo VRES 2020 của Batdongsan.com.vn dựa trên dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua loại hình căn hộ chung cư đang chiếm ưu thế trong các lựa chọn nhà ở của người dân. Cụ thể, tỷ lệ hộ dân thành thị ở chung cư, tập thể trên cả nước tăng trưởng 1,6 lần. Nếu năm 2009, Việt Nam chỉ có khoảng 3,7% dân cư sống trong các chung cư thì năm 2019, con số này đã biến động lên 5,8%.
Cũng trong 10 năm qua, ngoài Hà Nội và TP.HCM còn có nhiều tỉnh thành ghi nhận tỷ lệ tăng đột biến số hộ dân thành thị ở nhà chung cư, tập thể. Đơn cử, tỷ lệ hộ dân sinh sống tại chung cư ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng 683%, từ mức 0,4% lên 4,7%. Bình Dương cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng hộ dân ở chung cư là 567%. Tại Hà Nội, tỷ lệ này là 53% xếp sau Đà Nẵng (56%) và TP.HCM (67%).
Giá đất tăng cao khiến nhu cầu nhà ở có xu hướng chuyển dịch từ nhà riêng, nhà phố sang căn hộ chung cư. Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, Hà Nội hiện là thị trường phát triển nhà riêng, nhà phố mạnh nhất với tổng diện tích nhà riêng, nhà mặt phố xây dựng trong 10 năm qua tăng đến 92% trong khi tốc độ tăng trung bình của các đô thị khác trên cả nước chỉ vào khoảng 52%. Ngượ lại, tại TP.HCM, tốc độ phát triển nhà gắn với đất giảm gần 3% do quỹ đất không còn nhiều. Giá đất tăng mạnh nên các nhà phát triển BĐS đang ưu tiên loại hình căn hộ để đáp ứng nhu cầu an cư ngày càng tăng tại đô thị này.
Đô thị hóa thúc đẩy nhu cầu chuyển dịch sang chung cư
Nhìn nhận về xu hướng chuyển dịch từ nhà riêng, nhà phố sang chung cư, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực TP.HCM cho biết, đô thị hóa và kinh tế chuyển mình mạnh mẽ của các tỉnh thành trong 10 năm đang khiến loại hình chung cư dần phát huy những ưu điểm, xóa bỏ dần tâm lý truyền thống nhà phải gắn với đất. Xét trong 10 năm qua, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam từ mức 24% tăng lên 35%. TP.HCM là nơi duy nhất có tỷ lệ đô thị hóa giảm do sự phát triển dân số mạnh mẽ, giá nhà đất đắt đỏ khiến nhiều cư dân chuyển dần sang các các tỉnh lân cận sinh sống. Diễn biến này cũng khiến Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, những thị trường truyền thống về đất nền chuyển hướng phát triển căn hộ chung cư.
Căn hộ chung cư sẽ phát triển mạnh tại các thị trường tỉnh lân cận TP.HCM. Ảnh minh họa
Với việc nhu cầu của người dân gia tăng, giá bán căn hộ chung cư cũng tăng mạnh trong các năm vừa qua. Tại nhiều khu vực tỉnh lân cận TP.HCM, giá chung cư đang tăng sánh ngang với giá đất. Theo số liệu khảo sát từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, thời điểm hiện tại giá bán các sản phẩm chung cư đều ghi nhận tăng từ 15-20% đã tạo ra “cơn sốt” cho thị trường. Tại Hà Nội, căn hộ bình dân cũng tăng từ 3-5%, căn hộ trung - cao cấp giá bán gần như đi ngang trong suốt mùa dịch Covid-19.
Nhận định về xu hướng phát triển căn hộ trong tương lai, ông Đinh Minh Tuấn cho rằng, sự gia tăng của nhóm khách hàng là người trẻ và gia đình trẻ chưa có nhà ở nhưng có điều kiện tài chính ngày càng khá giả sẽ giúp gia tăng nhu cầu nhà ở chung cư tại các đô thị lớn và tỉnh vùng ven trong tương lai. Đây là đối tượng đang được các chủ đầu tư và các chuyên gia đặc biệt quan tâm, không những là một thị phần lớn mà còn là nhóm đối tượng khách hàng rất tiềm năng vì thuộc thành phần trẻ, năng động, thu nhập bình quân tương đối cao và ổn định. Theo đánh giá, đây cũng là nhóm khách hàng có sự quan tâm lớn nhất đối với phân khúc căn hộ chung cư. Tuy nhiên, do giá đất gia tăng nên ở các đô thị lớn như TP.HCM trong các năm tới đây, nguồn cung nhà ở có thể giảm ở cả loại hình chung cư và nhà phố. Xu hướng phát triển này sẽ kéo thị phần chung cư dần chuyển dịch ra các tỉnh vùng ven, nơi chưa mạnh về loại hình này.
Nguồn: batdongsan.com.vn