Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết tại khu vực phía Bắc, một số thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một số thị trường đã có dấu hiệu phục hồi sau những tác động mạnh của đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung bất động sản nhà ở vẫn khan hiếm do tốc độ phê duyệt dự án chậm. 80% các sản phẩm chào bán là hàng tồn kho từ các năm trước. Giá căn hộ chung cư ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi giá nhà đất tăng mạnh từ 20-30%. Các đợt sốt đất nền cục bộ cũng diễn ra tại các huyện ngoại thành, đặc biệt tại những huyện có thông tin lên quận.
BĐS các tỉnh vệ tinh phía Bắc ghi nhận sự phục hồi trong làn sóng Covid-19
Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang là ba tỉnh có dấu hiệu hồi phục tích cực nhất trong phân khúc bất động sản nhà ở khi nhà đầu tư tìm kiếm nguồn cung thay thế Hà Nội – thị trường vốn đã bắt đầu khan hiếm. Bắc Giang cũng là tỉnh chứng kiến tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ với sự phát triển mạnh của phân khúc bất động sản công nghiệp. Trong khi đó, Quảng Ninh và Hải Phòng được dự báo sẽ sôi nổi thời gian tới khi những công trình giao thông huyết mạch đã hoặc sẽ được vận hành thời gian tới. Cụ thể, tại Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn cùng tuyến đường cao tốc kết nối tam giác kinh tế phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) được kì vọng sẽ thắp sáng thị trường bất động sản Quảng Ninh thời gian tới. Tại Hải Phòng, tuyến đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế phía Bắc bao gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đã thu hút nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội với bất động sản các tỉnh này.
Khu vực phía Nam, phân khúc đất nền, căn hộ, nhà phố, biệt thự TP.HCM năm 2021 đều chứng kiến mức sụt giảm cả về phía cung và cầu. Khu Đông dẫn dắt nguồn cung căn hộ, nhà phố, biệt thự trong khi các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận 9 (cũ) dẫn dắt nguồn cung phân khúc đất nền. Tuy nguồn cung đều cao hơn nhu cầu, mức giá được ghi nhận đều tăng so với năm 2020 ở tất cả các phân khúc. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2022. Ngoài ra, Bình Dương, Long An, Đồng Nai tiếp tục giữ vị thế là những thị trường vệ tinh phát triển mạnh của TP.HCM. Nhiều phân khúc, loại hình ở các thị trường vệ tinh này đều ghi nhận sự tăng trưởng nguồn cung trong năm 2021.
Nhận định về thị trường bất động sản 2022, ông Đính cho rằng những yếu tố lợi thế của bất động sản Việt Nam vẫn đang giữ nguyên trong dài hạn từ tốc độ đô thị hóa, dân số tăng, kinh tế phát triển, hạ tầng liên tục được đẩy mạnh. Việt Nam là một điểm đến hứa hẹn của dòng tiền đầu tư thế giới năm 2022 khi các thị trường xung quanh nóng lên hoặc bất ổn chính trị. Gói kích thích nền kinh tế đang trông đợi được tung ra cùng với chính sách tín dụng có điều chỉnh, các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường… được tập trung, hứa hẹn năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực.
Thị trường BĐS 2022 hứa hẹn có nhiều tín hiệu tích cực
Ông Đính nhấn mạnh dự kiến nguồn cung mới trong 2022 sẽ tăng so với 2021. Tăng trưởng chung cả thị trường sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn bởi các cơ chế, chính sách. Phân khúc cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp thụ tốt, do phù hợp hơn với nhu cầu tài sản trú ẩn, tương ứng là giá khu vực này sẽ tiếp tục tăng, tuy có thể không còn mạnh như giai đoạn trước. Ngoài ra, giá căn hộ bình dân và có thể cả trung cấp sẽ tăng chậm hơn, để duy trì lượng hấp thụ. Kiểm soát dịch bệnh và từng bước mở cửa lại du lịch là tiền đề để bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản du lịch sẽ là điểm sáng hấp dẫn đầu tư của năm 2022, với vai trò tiên phong trong thúc đẩy đô thị hoá.
Nguồn: batdongsan.com.vn