Ôm mộng săn được hàng ngon - bổ - rẻ
Không tham gia trong thời điểm BĐS nóng sốt nhưng lại có kế hoạch săn đất cắt lỗ khi thị trường hạ nhiệt, chị N H. D, (Lữ Gia, quận 10) muốn có thể gom được những lô đất đẹp với giá hời từ các tay đầu tư cần thoát hàng vì áp lực tài chính. Chị cho biết, dù chưa từng “bắt đáy” bao giờ nhưng có nghe vài người quen chia sẻ nếu thành công sẽ kiếm lời rất đậm. “Sau sốt đất, sẽ có nhiều nhà đầu tư lỡ sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, không kịp thoát hàng buộc phải bán cắt lỗ. Nếu thương thảo thành công thì có thể mua đất đẹp với giá thấp hơn khá nhiều so với giao dịch thông thường”, chị Hạnh cho hay.
Thị trường mà nhà đầu tư này muốn đi săn là đất ở huyện Cần Giờ (TP.HCM), đây đang là khu vực có biến động tăng giá mạnh nhất trong 3 năm năm. Cần Giờ cũng là huyện có giá BĐS tăng mạnh nhất trong quý 1/2021 so với 5 huyện đang trong lộ trình quy hoạch lên quận của TP.HCM. Theo chị Hạnh, 2 tháng trước chị cũng tìm hiểu đất Cần Giờ nhưng giá cao quá. Hiện tại sốt đất đi qua, chị hi vọng thị trường hết nóng thì dễ mua hơn và giá đã hạ xuống.
Cũng nuôi tâm lý nhảy vào thị trường khi BĐS hạ nhiệt, ông Đ.M.T (Gò Dầu, Tân Phú) cho biết, đang thăm dò lô đất đẹp gần khu vực P. Vĩnh Phú, TP. Thuận An bán cắt lỗ là sẽ mua vào ngay. Ông T. cho biết thời điểm đầu năm có khảo sát qua nhà đất khu vực này, thấy nhiều lô đất đẹp, hợp ý nhưng giá bán quá cao nên ông không mua. Giờ giao dịch giảm, ông nhờ môi giới để ý giúp nếu có nhà đầu tư nào cần bán gấp, có thể thương lượng giá hợp lý thì giới thiệu cho mình. Biết khu vực mình mua đất vốn là khu dân cư đông đúc, đang trên đà phát triển nên ông T cũng không ôm hi vọng đất sẽ giảm sâu mà chỉ cần giá mềm hơn thông thường là xem như mình đã bắt đáy thành công.
Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, tâm lý chờ bắt đáy thị trường hiện đang diễn ra khá phổ biến trong những ngày vừa qua. Dù tại các thị trường “nóng” nhà đầu tư vẫn chưa có động thái cắt lỗ, giảm giá rõ ràng nhưng nhiều người đã rục rịch cuộc đi săn. Cơn sốt đất đầu năm chính thức tắt lửa vào đầu tháng 5, sóng săn đất đã hạ, nhu cầu mua chững lại đồng nghĩa với xu hướng tăng giá chóng mặt tại nhiều khu vực cũng dừng theo và giá BĐS các điểm nóng nhà đất từ đà đi lên chuyển sang đi ngang.
Nếu theo đúng diễn biến thông thường, thời điểm này làn sóng bán cắt lỗ, giảm giá đất sẽ bắt đầu xuất hiện. Thêm vào đó ngay giai đoạn này Covid-19 tái bùng phát khiến giao dịch mua bán nhà đất khó càng thêm khó. Sức ép tài chính lên nhà đầu tư lớn sẽ càng khiến thị trường xuất hiện tình trạng giảm giá thoát hàng nhiều hơn. Đây cũng là lý do nhiều nhà đầu tư ôm hi vọng nhảy vào nắm bắt cơ hội mua đất giá hời.
Công cuộc bắt đáy liệu có “dễ ăn”?
Theo giới chuyên gia, câu chuyện bắt đáy có thể sẽ không ngon ăn như nhà đầu tư mường tượng. Một nhà đầu tư miền Bắc đã có kinh nghiệm lâu năm tại thị trường miền Nam cho rằng, các điểm nóng BĐS ở phía Nam sẽ khó có tình trạng giảm giá ồ ạt để tạo ra vùng “đáy”.
“Quan sát thị trường thời gian qua, các điểm có giá đất tăng nhanh và mạnh nhất trong cơn sốt đầu năm chủ yếu là ở phía Bắc. Còn với thị trường phía Nam, xu hướng tăng giá đã diễn ra từ trước đó khá lâu và tăng đều qua các quý. Chỉ ở vài thị trường vừa có biến động lớn về quy hoạch và hạ tầng phát triển mạnh mới có giá tăng mạnh. Những thị trường này lại không hoàn toàn là tăng ảo nên rất khó để xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ, giảm giá ồ ạt”, một nhà đầu tư cho biết. Vị này từng tham gia bắt đáy thị trường và cũng gặp nhiều trường hợp rao bán đất cắt lỗ, cứu thua với lời quảng cáo giảm giá nhưng thực tế là tin ảo. Nếu không cẩn trọng, người mua sẽ nhận cú lừa đau thay vì khoản lời tiền tỷ như kỳ vọng.
Giá nhà đất chưa có xu hướng giảm mà chỉ đang đi ngang trong thời gian gần đây dù thị trường đã hạ nhiệt sau cơn sốt. Ảnh minh họa
Người viết bài từng tiếp xúc với một môi giới nhà đất tại Bình Dương và được vị này cho biết, anh đang giúp một nhà đầu tư rao bán “cắt lỗ” lại lô đất gần 250m2 tại TP. Dĩ An với lời rao giảm hơn 20%. Tuy nhiên chính vị môi giới này cũng tiết lộ, thực ra không hề có chuyện giảm giá. “Lô đất này đã được gửi rao bán từ giữa năm 2020 giá gần 6,5 tỷ đồng nhưng bán mãi chưa ra, đầu năm 2021 khi có cơn sốt đất xuất hiện, chủ đất được thế tăng giá bán lên gần 8 tỷ đồng nhưng ngay cả thời điểm sốt đất vẫn không ra được hàng. Giờ hết sốt chủ đất lại đưa giá trở về mức 7 tỷ đồng và gắn thêm cái mác cắt lỗ khủng để dễ bán ra”, môi giới này chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, ngoài một số thị trường mới vốn chưa phát triển có xuất hiện sốt ảo vì thông tin hạ tầng mơ hồ, các thị trường truyền thống như TP.HCM, Bình Dương, Long An gần như không xuất hiện tình trạng BĐS giảm giá sâu. Cụ thể, ở TP.HCM, giá đất tại khu vực TP. Thủ Đức trong 4 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh do tác động từ việc thành lập TP. Thủ Đức. Giá BĐS trên các tuyến đường nóng tại quận 9 và quận Thủ Đức cũ tăng gần 20-30% so với cuối năm 2020 nhưng trong tháng 5/2021 giá các khu vực này không hề có dấu hiệu giảm mà chỉ đi ngang. Tương tự, giá đất một số quận huyện như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn và Cần Giờ cũng gần như đi ngang trong tháng 5, một số điểm nóng có dấu hiệu giảm giá tầm 3-5% chứ chưa hề có tình trạng giảm mạnh như kỳ vọng.
Tương tự, tại một số tỉnh thành vùng ven như Đồng Nai, Bà Rịa, Bình Dương, Phan Thiết vẫn xuất hiện những lô đất được rao bán với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-7%, nhưng số lượng rất ít và hầu như không thuộc các khu vực có vị trí đẹp. Còn lại giá bán chung của thị trường hầu như đều đang đi ngang. Với những khu vực đang phát triển hạ tầng và quy hoạch rõ ràng, có tiềm năng lớn trong dài hạn thì dù thị trường hết sốt, nhu cầu mua và giao dịch BĐS vẫn duy trì sức nóng và khó hạ giá.
Nguồn: batdongsan.com.vn