Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội: Hiện thực hóa đô thị hiện đại, văn minh

02.09.2020 - Trong 75 năm qua, từ một TP bị tàn phá bởi chiến tranh, đến nay, Hà Nội đã và đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một TP hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Để có thành tựu như hôm nay, không thể không kể đến lộ trình thành công của công cuộc đô thị hóa với những đồ án quy hoạch được lập làm công cụ quản lý phát triển.

Một góc Thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Những viên gạch đầu tiên
75 năm qua, nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn hết mình trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Thủ đô, để có một Thủ đô “đẹp đẽ, đàng hoàng hơn”.
Cả một chặng đường dài cùng với sự phát triển của đất nước, công tác quy hoạch và xây dựng Thủ đô đã không ngừng được đổi mới. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, T.Ư và đặc biệt Bác Hồ đã rất quan tâm đến quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Tháng 11/1959, khi xem xét đồ án quy hoạch, Bác Hồ đã căn dặn: "Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của Nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi". Từ thời điểm này, những người làm công tác quy hoạch với sự giúp đỡ của bạn bè các nước xã hội chủ nghĩa đã bắt tay vào nghiên cứu quy hoạch xây dựng Thủ đô. Khi đó, Hà Nội có diện tích 152km2 với dân số 37 vạn người ở nội thành và 16 vạn người ở ngoại thành.

Để phát triển văn minh, hiện đại theo hướng bền vững và có bản sắc, Hà Nội cần phải làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế những điều chỉnh quy hoạch không vì mục đích phát triển chung của TP. Đặc biệt, trong một đô thị phát triển thì con người là nhân tố rất quan trọng, cần chú ý xây dựng, nâng cao văn hóa đô thị cho người dân Thủ đô.

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng

Công tác quy hoạch và xây dựng có nhiệm vụ phục vụ cho việc chuyển từ TP “tiêu thụ” sang TP “sản xuất”, nhằm cải thiện nâng cao đời sống dân cư. Một số cụm công nghiệp được xây dựng như các khu công nghiệp Thượng Đình, Minh Khai… đã tạo ra được cơ cấu mới cho Thủ đô để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Đặc biệt là một số khu nhà tập thể như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ… được xây dựng với mô hình tiểu khu nhà ở xã hội chủ nghĩa. Cùng việc xóa nạn mù chữ, nhiều trường đại học (ĐH) lớn ra đời như ĐH Tổng hợp, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Nông lâm… Một số bệnh viện cũ đã được cải tạo nâng cấp, một số bệnh viện mới được ra đời như Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Bệnh viện Y học dân tộc… Hệ thống thương mại, giáo dục, giao thông được mở mang, phát triển.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, lần đầu tiên bản đồ án “Quy hoạch tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội” được hoàn thành vào năm 1960. Để định hướng phát triển, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt năm 1961 với dự báo dân số lên 1 triệu người và phát triển đô thị tới 200km2. Hướng phát triển không gian TP chủ yếu về phía Nam và phía Tây có một phần phía Đông Bắc (khu vực Gia Lâm).
Tiếp sau đó, trong quá trình xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, các đồ án quy hoạch chung năm 1974, 1976, 1981, 1992, 1998 lần lượt ra đời. Tất cả các bản quy hoạch đã định hướng không gian cho phát triển, trong đó rõ nét nhất là hạ tầng giao thông, tạo lập diện mạo mới cho Thủ đô .
Diện mạo Thủ đô bề thế
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhất là sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011, công tác quy hoạch, xây dựng đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt. Một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phát triển, tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity… đã tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển.
Đáng chú ý, vào tháng 5/2020 vừa qua, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với bản quy hoạch này, Hoà Lạc trong tương lai không xa sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề, trung tâm y tế, khám chữa bệnh. Đây cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng tại phía Tây Hà Nội.
Cùng với đó, cụ thể hóa Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô, các cây cầu như Nhật Tân, sắp tới đây là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo… còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực.
Nhiều tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3, Vành đai 2 trên cao, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nút giao thông Thanh Xuân, nút giao thông Trung Hòa, nút giao trung tâm quận Long Biên… Tất cả các công trình đều có quy mô lớn, hiện đại tạo dấu ấn của một đô thị bề thế, nhân lên niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước với bạn bè thế giới.
Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, có được những kết quả rõ nét trên, công tác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch được chú trọng, ngày càng chặt chẽ hơn. Đến nay, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung trên địa bàn TP đạt 100% khu vực cần lập (32/32 đồ án), quy hoạch phân khu đạt 80% (27/35 đồ án).
TP đã hoàn thành phê duyệt thêm 88 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích khoảng 4.386,2ha; 80 hồ sơ chỉ giới các tuyến đường quan trọng... Chất lượng quy hoạch dần được nâng cao, cơ bản bám sát hơn thực tế và các yêu cầu phát triển đô thị, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử.
Nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, nhìn lại chặng đường 75 năm qua, có thể thấy công tác quy hoạch luôn được Đảng, Nhà nước, TP quan tâm và xác định là công tác thường xuyên, quan trọng, cần đi trước một bước. Với những định hướng đã xác định trong hệ thống quy hoạch hiện hành, cơ chế đặc thù được xác định trong Luật Thủ đô, định hướng trong phát triển được xác định tại Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII sắp tới, tin rằng Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm, khẳng định vị thế.

Nguồn:kinhtedothi.vn