Sau đóng băng, thị trường BĐS này đang nóng trở lại

01.06.2022 - Nhiều năm về trước, cùng với 2 thị trường là Vân Đồn và Phú Quốc, bất động sản Bắc Vân Phong liên tục sốt nóng với các thông tin lên đặc khu. Sau khi Quốc hội hoãn thông qua Luật đặc khu, thị trường này rơi vào cảnh trầm lắng. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, bất động sản Bắc Vân Phong đang có dấu hiệu khởi sắc.

Một thời nóng sốt

5 năm về trước, thông tin lên đặc khu đã khiến giá bất động sản Bắc Vân Phong liên tục nhảy múa. Nơi đây trở thành điểm nóng của thị trường cả nước, thu hút giới đầu tư và đội ngũ môi giới, cò đất đến bán hàng. Đỉnh điểm của cơn sốt nóng, những lô đất mặt tiền kinh doanh có vị trí đắc địa ở thị trấn Vạn Giã tăng từ mức 30-40 triệu đồng/m2 lên mức 80-90 triệu đồng/m2 trong thời gian ngắn. Đất nằm trong các tuyến đường nhỏ cũng được rao bán lên tới 35-38 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm chưa sốt đất, giá chỉ tầm hơn chục triệu đồng/m2 hoặc xuýt xoát tiệm cận mức 20 triệu đồng/m2.

 Đất Bắc Vân Phong từng một thời khuấy động thị trường BĐS với thông tin lên đặc khu

Những khu vực bị thổi giá còn phải kể đến Ninh Giã, Tân Dân, Vạn Khánh nơi từng có thông tin về tuyến đường huyết mạch, được ví như xương sống của đặc khu tương lai, giá tăng từ mức 1-3 triệu đồng/m2 lên 8-14 triệu đồng/m2. Nhiều lô đất ở Vạn Lương, Vạn Phước, Vạn Bình, Đại Lãnh… trước đó chỉ có giá cao nhất vài trăm triệu thì trong cơn sốt, giá dựng đứng lên tới cả tỉ đồng mỗi lô. Không chỉ đất thổ cư, đất nuôi trồng, thủy sản, đất nông nghiệp và lâm nghiệp cũng tăng chóng mặt, từ vài trăm nghìn đồng/m2 lên đến 2-4 triệu đồng/m2.

Thời điểm đó, làn sóng nhà đầu tư địa phương và nhà đầu tư trên cả nước đổ về Bắc Vân Phong “săn đất”, sang tay kiếm lời từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi lô trong thời gian ngắn diễn ra thường xuyên. Trước thực trạng hỗn loạn về giá, vào tháng 5/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa ra văn bản tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh). Kế đó, Luật đặc khu hoãn thông qua đã khiến thị trường bất động sản Bắc Vân Phong rơi vào cảnh đóng băng hoàn toàn. Giá đất sụt giảm mạnh, thị trường không có giao dịch. Những lô đất ở thị trấn Vạn Giã từng có mức giá 80-90 triệu đồng/m2, giảm xuống 1 nửa nhưng không có người mua. 

Thị trường sốt nóng trở lại

Sau giai đoạn trầm lắng, mới đây, bất động sản Bắc Vân Phong bắt đầu tăng nhiệt trở lại. Cơ sở cho sự khởi sắc của thị trường đến từ quyết định số 451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định trên, KKT Vân Phong được định hướng là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước.

 Sau giai đoạn trầm lắng, BĐS Bắc Vân Phong đang khởi sắc trở lại

Ngoài quy hoạch thì việc nhiều ông lớn có kế hoạch đổ vốn vào Bắc Vân Phong cũng khiến thị trường này trở nên sôi nổi. Mới đây, Tập đoàn FPT đề xuất 2 dự án là Trung tâm chuyển đổi số và đô thị dịch vụ tại khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang Bắc Vân Phong quy mô 350 ha; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng của các chuyên gia ở khu vực Hồ Na - Mũi Đôi (vịnh Vân Phong) quy mô 360 ha. Trước đó, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đề xuất đầu tư khu thương mại tự do Hòn Gốm tại Khu kinh tế Vân Phong. Ngoài ra, các tập đoàn quốc tế như Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Công ty J.Power (Nhật Bản), Công ty Millennium Energy (Hoa Kỳ), Tập đoàn Quantum (Hoa Kỳ)... cũng đặt vấn đề đầu tư và đề xuất đóng góp ý tưởng để hoàn thiện quy hoạch KKT Vân Phong. Chính bởi đó, mà đất Bắc Vân Phong bắt đầu tăng giá mạnh.

Giai đoạn đóng băng năm 2018 khiến giá đất quay đầu giảm mạnh thì đến thời điểm hiện tại, giá đất đã thiết lập mức mới, dù nhiều vị trí chưa lập lại được đỉnh giá của thời điểm sốt đất nhiều năm trước. Đơn cử, đất mặt đường Trần Hưng Đạo – tuyến đường trung tâm ở thị trấn Vạn Giã từng được chào bán 80 triệu đồng/m2 trong cơn sốt thì nay giá chào bán và giao dịch ghi nhận ở mức 60-67 triệu đồng/m2. Mức giá hiện tại này đã tăng 30-40% so với năm 2019. Đất đường 14/8 cũng ghi nhận mức tăng khi được rao bán ở giá 30-35 triệu đồng/m2 thay vì mức sụt giảm ngoài 20 triệu đồng/m2 ở thời điểm thị trường đóng băng. Đất thuộc các khu tái định cư được chào bán 20-26 triệu đồng/m2, tăng 20% so với năm ngoái. Đất đường Nguyễn Huệ, những lô hơn 300m2 giá chào bán 11-15 triệu đồng/m2. Đất Vạn Phú, gần đường lớn Lý Thái Tổ đang được chào bán 12-15 triệu đồng/m2, nhích khoảng 10-15% so với cùng kì năm ngoái. Đất ở Xuân Đông (Vạn Hưng), Vạn Thắng, những lô đất vài nghìn m2 đang có giá chào bán 3-4 triệu đồng/m2, tăng 1-2 giá so với đầu năm ngoái.

Theo anh Hữu Bảo, môi giới địa phương, thị trường đang đón một lượng nhà đầu tư ở các nơi khác về đây săn đất. Tuy nhiên, làn sóng này không còn mạnh mẽ như 4 năm trước, thời kì giá đất liên tục nhảy múa vì thông tin lên đặc khu. Mức tăng của thị trường tập trung ở đất thổ cư, những lô đất diện tích lớn mà 2/3 diện tích là thổ cư. Những nhà đầu tư mắc kẹt trong cơn sốt đất từ nhiều năm trước hiện vẫn chưa thoát được hàng do thời điểm đó những nhà đầu tư này đổ tiền vào đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm… Đây lại là phân khúc không ghi nhận giao dịch đáng kể ở thời điểm hiện tại.

Nguồn: batdongsan.com.vn