Thanh khoản thị trường giảm khi giá nhà đất leo thang

09.05.2022 - Bên cạnh yếu tố thiếu hụt nguồn cung, thanh khoản thị trường bất động sản (BĐS) có xu hướng sụt giảm khi giá nhà đất liên tục leo thang.

Báo cáo thị trường quý 1/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản (BĐS) trên cả nước có xu hướng giảm. Cụ thể, lượt tìm mua nhà đất 3 tháng đầu năm 2022 giảm 3% so với quý 4/2021 và 4% so với cùng kỳ 2021. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường BĐS quý 1 kém sôi động hơn so với cùng kỳ, trong đó việc giá BĐS đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương cùng với việc trải qua nhiều cơn sốt đất, nhà đầu tư đã thận trọng hơn khi ra quyết định đầu tư, mua bán.

Đất nền là phân khúc xuất hiện nhiều cơn sốt cục bộ trong thời gian vừa qua và cũng là phân khúc ghi nhận lượng quan tâm giảm mạnh trong quý vừa qua. Theo đó, đất nền các tỉnh phía Bắc ghi nhận nhu cầu tìm kiếm giảm 11% còn các tỉnh phía Nam cũng giảm 12% so với cùng kỳ. Riêng TP.HCM, loại hình BĐS bán có lượt tìm mua giảm 12% so với cùng kỳ, nhất là ở loại hình đất nền thuộc khu Đông.

Còn theo số liệu của Bộ Xây dựng vừa công bố, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong quý vừa qua là 20.325 (tập trung ở các địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Phú Thọ, Bắc Giang, Lâm Đồng) chỉ bằng 45,5% so với quý 4/2021 và bằng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghiên cứu từ các đơn vị khác cũng cho thấy, sức mua thị trường giảm khá mạnh. Theo DKRA Việt Nam, thanh khoản nhà chung cư tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm giảm mạnh so với mùa cao điểm bán hàng cuối năm ngoái. Toàn thành phố bán được 1.385 căn hộ trong rổ hàng mới, giảm 68% so với lượng tiêu thụ quý 4/2021 và giảm gần 30% so với quý 1/2021. Sức tiêu thụ nhà chung cư trong quý đầu năm nay thậm chí kém hơn cả giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh hồi năm ngoái.

Lượng tiêu thụ căn hộ có xu hướng giảm mạnh trong quý 1/2022 khi giá nhà đất leo thang

Cũng ghi nhận xu hướng thanh khoản nhà chung cư giảm, số liệu từ JLL Việt Nam cho thấy, tổng lượng bán trong quý giảm 74,1% so với quý trước. Thị trường ghi nhận phân hóa nhu cầu giữa nhóm khách mua đầu tư và khách ở do động thái siết tín dụng cho vay bất động sản của ngân hàng nhà nước. Chính sách vay mua nhà hạn chế có tác động nhất định đến nguồn cầu đầu cơ và kể cả để ở.

Ông David Jacskon, TGĐ Colliers Việt Nam nhận định, lượng giao dịch căn hộ sụt giảm do đại dịch và khoảng nghỉ dài dịp Tết. Ngoài ra, tác động từ việc giá nhà vẫn trên đà tăng khiến người mua cân nhắc đắn đo nhiều hơn. Không ít người mua nhà bị ảnh hưởng thu nhập trong đại dịch kéo dài sang năm 2022 gây ảnh hưởng lên quyết định mua ở và đầu tư. Bên cạnh đó, diễn biến một số doanh nghiệp rút khỏi thương vụ đấu giá các lô đất Thủ Thiêm cuối năm ngoái cùng với hàng loạt thông tin tiêu cực về doanh nghiệp ngành BĐS thời gian gần đây đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nhà ở trong những tháng đầu năm 2022.

Một nguyên nhân nữa khiến lực cầu của thị trường nhà chung cư giảm là do phân khúc này đang dần mất đi một lượng khách hàng đầu tư cho thuê. Việc khai thác cho thuê không còn hiệu quả khiến xu hướng mua đầu tư căn hộ cho thuê bước vào giai đoạn thoái trào, thị trường nhà chung cư chỉ còn lại nhóm khách hàng chủ lực là người mua để ở hoặc vừa sử dụng vừa chờ tăng giá để bán.

Theo bà Trang Lê, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, thị trường TP.HCM ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm vào khoảng 11,8% theo năm trong bối cảnh nguồn cung dẫn dắt nhu cầu. Mặt bằng giá ở thị trường sơ cấp đạt mức 2.927 USD/m2. Quỹ đất ngày càng khan hiếm cũng góp phần thúc đẩy vào xu hướng tăng giá bán căn hộ. Tại KĐT Thủ Thiêm, sự kiện đấu giá đất vào tháng 12/2021 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của người mua vào khu vực này, khiến giá bán sơ cấp trung bình tại KĐT tăng 3,0% theo quý, cao hơn 2,5% so với mức tăng cùng kỳ quý trước. Đà tăng giá cũng khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà khó tiếp cận với thị trường bất động sản dù nhìn thấy tiềm năng.

Nguồn: batdongsan.com.vn