Thành lập thành phố Thủ Đức, đại gia bất động sản nào sẽ hưởng lợi?

06.10.2020 - Thị trường bất động sản phía Đông đang “nóng” lên trước thông tin sáp nhập, đặc biệt là thị trường thứ cấp. Giá đất tại các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức tăng trung bình 40% so với quý 1/2017.

Thành phố Thủ Đức dự kiến được thành lập dựa trên sáp nhập 3 quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức

“Thành phố Thủ Đức” đang là từ khóa "hot" thời gian gần đây trước thông tin sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Thông tin từ Thành ủy TP.HCM cho hay, Chính phủ đã công bố chủ trương về các dự án phát triển bền vững tại TP.HCM.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chấp thuận cho ý tưởng hợp nhất 3 quận: 2,9 và Thủ Đức để tạo thành TP.Thủ Đức. Việc này thực hiện theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Tại báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận, sự hình thành của TP.Thủ Đức gắn với định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, có tính tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số.

Do các quận này đã có cơ sở hạ tầng thuận tiện và hiện đại (bao gồm tuyến metro số 1 từ Bến Thành, quận 1 đến Suối Tiên ở quận 9, đường cao tốc từ TP.HCM đến tỉnh Đồng Nai và cảng Cát Lái) TP.Thủ Đức được kì vọng trở thành khu vực quan trọng mới của TP.HCM và cả nước với 30% đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của TPHCM và 4-5% của cả nước.

 

TP.Thủ Đức nằm về phía Đông của TP.HCM, cách quận 2, quận 9 và quận 1 lần lượt là 12km, 14km và 19km (hình 1).

Phía Tây giáp quận 1, quận 4 và quận Bình Thạnh, phía Đông giáp Đồng Nai, phía Nam giáp quận 7, phía Bắc giáp Bình Dương (hình 2).

Theo VDSC, thị trường bất động sản phía đông đang “nóng” lên trước thông tin sáp nhập, đặc biệt là thị trường thứ cấp.

Giá đất tại các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức tăng trung bình 40% so với quý 1/2017 (hình 3). Chuyên gia VDSC kỳ vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục, theo kỳ vọng của các nhà đầu tư vào sự phát triển cơ sở hạ tầng ở TP. Thủ Đức, có thể kể đến là 6 trọng điểm sáng tạo (hình 4).

 

Theo đó, trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm sẽ phát triển thành một trung tâm tài chính và công nghệ quốc tế gắn với chủ trương chuyển đổi số của TP.HCM.

Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc sẽ là trung tâm thể dục thể thao, y tế và các dịch vụ liên quan.

Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn thành phố sẽ là nơi diễn ra các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất nguyên mẫu và sản xuất sản phẩm sáng tạo công nghệ cao.

Khu Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ phát triển các dịch vụ giáo dục và đào tạo, hoạt động hợp tác quốc tế, không gian sáng tạo, R&D và vườn ươm khởi nghiệp.

Khu công nghệ sinh thái Tam Đa sẽ là nơi phát triển công nghệ nhà ở thích ứng với môi trường, năng lượng tái tạo, trang trại và đa dạng sinh học.

Khu đô thị tương lai Trường Thọ sẽ là hình mẫu của khu đô thị tương lai cho người dân sinh sống, làm việc và nghỉ dưỡng với cơ sở hạ tầng quản lý đô thị bằng công nghệ cao và dữ liệu dùng chung, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ở thời điểm này, xét về quỹ đất, Vinhomes đang là nhà phát triển bất động sản có lợi thế nhất tại TP.Thủ Đức với dự án Vinhomes Grand Park với tổng diện tích 272 ha.

Cùng với Vinhomes, có một số nhà phát triển bất động sản trong nước như Khang Điền, Novaland, Nam Long, Phát Đạt, Hà Đô, Đất Xanh... cũng đang chiếm lợi thế.

Mai Chi

Nguồn: dantri.com.vn