Gom góp được ít tiền, vợ chồng anh Minh (Hà Nội) dự tính mua một căn chung cư thuộc diện nhà ở xã hội tại khu vực Đại Kim, giá gốc khoảng 17 triệu đồng/m2. Mua nhà lần đầu nên không có kinh nghiệm gì, anh Minh quyết định nghe theo tư vấn của “cò mồi” và mua qua một công ty môi giới.
Để lấy lòng tin, môi giới khẳng định dù anh Minh có làm đủ hồ sơ nộp cho chủ đầu tư thì kiểu gì cũng bị loại, vì dự án nhà ở xã hội số lượng ít lại toàn suất ngoại giao, có bốc thăm vẫn trượt. “Anh cứ yên tâm, công ty em địa chỉ ở đây, không ai lừa anh cả. Anh cứ đặt cọc 20% giá trị căn hộ (khoảng 160 triệu đồng), lúc nào ký hợp đồng mới phải trả hết số còn lại”, người này khẳng định.
Thỏa thuận xong xuôi, anh Minh vui vẻ nộp trước 20% giá trị căn hộ cho môi giới và được đưa cho ký hợp đồng đặt chỗ. Môi giới cho biết sau 1 tháng, anh sẽ được ký tiếp hợp đồng mua bán và số tiền gần 160 triệu trên sẽ được chuyển thành tiền góp vốn đợt đầu.
Tuy nhiên, 1 tháng sau, anh Minh vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán, liên hệ với môi giới thì được biết dự án đang gặp trục trặc về tiến độ nên chủ đầu tư chưa muốn làm hợp đồng mua bán ngay. Người này quả quyết nếu 30 ngày tới chưa giải quyết xong thì sẽ hoàn lại tiền và chịu thêm tiền phạt.
Nhận thấy 30 ngày cũng không phải một khoảng thời gian quá dài nên anh Minh kiên nhẫn chờ và không liên lạc gì thêm. Nhưng đúng 1 tháng sau, vợ chồng anh gọi cho công ty môi giới để hẹn ngày ký hợp đồng thì không liên lạc được. Linh tính có chuyện chẳng lành, anh tìm đến công ty môi giới và bàng hoàng khi biết họ đã ôm tiền cao chạy xa bay. Ngoài vợ chồng anh, còn có hơn 20 người khác cũng bị lừa, thậm chí có người còn đặt cọc tới 50% giá trị căn hộ với hy vọng được ưu tiên mua căn có vị trí đẹp.
Những rủi ro khi mua nhà ở xã hội qua trung gian có thể khiến bạn tiền mất tật mang. Ảnh minh họa
Thêm một nạn nhân khác bị môi giới lừa khi mua nhà ở xã hội đó là trường hợp của anh Lâm (TP. HCM). Với ngân sách ít ỏi nên anh Lâm được môi giới tư vấn mua lại căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội ở quận Bình Thạnh. Dự án này vừa mới bàn giao, có giá bán 17 triệu đồng/m2. Như vậy căn hộ diện tích khoảng 50m2 như anh Lâm mong muốn sẽ có giá chừng 850 triệu đồng.
Tìm hiểu trên thị trường, anh Lâm được biết mức giá này chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/m2 so với giá gốc, tức là căn hộ anh mua đã bị đội giá thêm khoảng 100 triệu đồng. Biết là mua đắt nhưng nghĩ rằng số lượng nhà ở xã hội không nhiều, muốn tìm suất bán lại có vị trí ưng ý như căn hộ này cũng khó nên anh Lâm vẫn quyết định “xuống tiền”.
Tuy nhiên, quy định nhà ở xã hội phải sau 5 năm mới được chuyển nhượng, nên anh Lâm chỉ có thể mua nhà qua hợp đồng ủy quyền. Hai bên thỏa thuận anh Lâm chỉ cần trả trước 300 triệu đồng, hơn 500 triệu còn lại anh sẽ thay chủ nhà trả tiền ngân hàng vay mua căn hộ trong gói hỗ trợ trước đây.
Đến nay, gần hết kỳ hạn 5 năm của hợp đồng ủy quyền nhưng bên bán vẫn lần lữa, lấy đủ lý do để trì hoãn việc sang tên đổi chủ căn hộ cho anh Lâm. Mặc dù đã thanh toán hết tiền mua nhưng vợ chồng anh vẫn bất an vì chẳng khác nào đang ở nhà thuê, nếu chẳng may chủ sở hữu căn hộ “lật kèo” thì anh Lâm cũng đành chấp nhận. Khi đó, anh Lâm nhận lại tiền mua, người bán lấy lại nhà. Trong 5 năm liền, người bán chẳng khác nào được vay từ anh Lâm một khoản tiền lớn mà không phải trả lãi suất.
Từ những trường hợp trên, người mua cần hết sức cẩn trọng khi mua nhà ở xã hội qua môi giới hoặc mua lại từ những người có suất nhưng không có nhu cầu ở. Tránh trường hợp nếu xảy ra tranh chấp hoặc quá trình sử dụng nhà có vấn đề, thì người mua hoàn toàn gánh chịu rủi ro, nếu có kiện người bán hoặc cơ quan liên quan thì cũng không có cơ sở pháp lý để đảm bảo được quyền lợi.
Linh Phương (TH)