Tin kinh doanh: Dòng vốn M&A vẫn chảy mạnh vào hàng tiêu dùng, bất động sản

08.08.2018 - Các thương vụ M&A những năm tới được dự báo vẫn tiếp tục tập trung vào hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản.

Số liệu công bố tại "Diễn đàn M&A 2018" do báo Đầu Tư tổ chức ngày hôm nay cho biết, tổng giá trị mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam năm 2017 đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Cùng với đó, 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ đạt 3,55 tỷ USD (bằng 155% cùng kỳ năm 2017).

Nếu năm 2016 là thời điểm lên ngôi của bán lẻ với các thương vụ mua lại các chuỗi phân phối thì năm 2017, ngành có tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng (57%), tiếp theo là ngành bất động sản (27%), tài chính - ngân hàng (4%), vật liệu hóa chất (3%).

 

Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành bất động sản chiếm ưu thế trong M&A (66,75%), tiếp đến là tài chính - ngân hàng (19,06%) và sản xuất công nghiệp (9%). Theo dự báo, giá trị M&A cả năm nay sẽ giảm so với năm 2017 do chưa thể thực hiện được những thương vụ lớn như Sabeco.

Tuy nhiên, thị trường có thể đạt giá trị 6,5 - 6,9 tỷ USD, tương đương tăng 15,3% so với năm 2017 nếu không tính thương vụ Sabeco. Còn với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 5 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Nhóm nghiên cứu cho rằng, sở dĩ 3 ngành này được quan tâm nhất vì là những ngành quan trọng trong việc tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân.

"Các lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống có triển vọng cao trong thời gian tới. Trong khi đó, M&A bất động sản cũng phát triển nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh nên các dự án như khách sạn, nghỉ dưỡng rất hấp dẫn", ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận định.

Việc mua lại những công ty sản xuất hàng tiêu dùng không chỉ là mua thương hiệu mà còn mua lại mạng lưới phân phối để tiếp cận thị trường. "Những động thái của các nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc cho thấy sự cạnh tranh trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam. Đây cũng là sự khởi đầu của xu hướng đầu tư, mua lại các công ty có kênh phân phối tại thị trường địa phương nhằm đưa các sản phẩm của Thái Lan và Hàn Quốc vào", bản báo cáo của diễn đàn phân tích.

Thương vụ ThaiBev-Sabeco giá trị 4,8 USD chiếm gần 50% tổng giá trị M&A năm 2017. Ảnh: Reuters

Thương vụ ThaiBev-Sabeco giá trị 4,8 USD chiếm gần 50% tổng giá trị M&A năm 2017. Ảnh: Reuters

Ở mảng bất động sản, lý do thúc đẩy việc M&A sôi động là thời gian hoàn thành thủ tục dài, trung bình mất 5-10 năm. Đồng thời, các vị trí đất đang trở nên hạn chế hoặc đã được sở hữu bởi các nhà đầu tư trong nước. Thương vụ điển hình thời gian gần đây là GIC đầu tư 1,3 tỷ USD vào Vinhomes, dưới hình thức mua cổ phần và cung cấp công cụ nợ.

Thị trường M&A Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại, chủ yếu là Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Làn sóng đầu tư xuất phát từ châu Á vẫn sẽ rất lớn. Hiệp định CPTPP sẽ càng làm cho Việt Nam hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc. Dù Trung Quốc không đóng vai trò lớn trong thị trường M&A nhưng chúng tôi nhận thấy họ đang ngày càng quan tâm hơn. Đây là xu hướng chung vì họ đang đầu tư rất nhiều trên thế giới", ông Warrick Cleine nói.

Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam chủ yếu vẫn là các giao dịch nhỏ với hơn 90% có quy mô 5-6 triệu USD. Chất lượng doanh nghiệp còn yếu là một phần nguyên nhân. Các nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn. Tuy nhiên, vốn điều lệ của đa số doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam ở mức 2 - 4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5 - 10 triệu USD.

Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam đang cần  những nguồn hàng tốt hơn. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần của nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm chưa chọn được nhà đầu tư chiến lược.

Tiếp đến, hệ thống pháp lý liên quan đến M&A cần được thông thoáng hơn. Một số rào cản như như giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, thuế cho M&A cần sớm được tháo dỡ. Cùng với đó, bản thân doanh nghiệp Việt cũng cần minh bạch hơn về thông tin và định giá chuẩn mực hơn.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital tỏ ra lạc quan về triển vọng quy mô thị trường M&A Việt Nam trong thập niên tới. Tuy nhiên, tương lai này tốt đến đâu còn phụ thuộc vào 3 yếu tố. Đầu tiên là chủ trương thu hút dòng vốn nước ngoài của nhà nước thế nào. Thứ hai là sự thay đổi về văn hóa của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn muốn tự mình làm chủ chứ không xem M&A là cách để hoạt động mạnh hơn. Cuối cùng là việc thực thi giải quyết các tranh chấp phát sinh hiệu quả ra sao.

Ở góc độ nhà quản lý, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Chính phủ đang sửa đổi và hoàn thiện hàng loạt chính sách liên quan đến quản lý vốn nhà nước. Hàng loạt nghị định về cổ phần hóa đã được sửa đổi và công bố vào đầu năm. Chính phủ cũng đã thành lập một ủy ban quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Dự kiến, nghị định về "siêu ủy ban" sẽ được ban hành vào tháng 9 tới. Đồng thời, môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia đang được tích cực cải thiện.

"Trong năm nay mục tiêu là 30-50% thủ tục kinh doanh sẽ được cắt giảm. Hiện nay chúng tôi đã cắt giảm được khoảng 15%. Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng phải cắt giảm. Trên cơ sở cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh này thì sẽ thúc đẩy việc thành lập mới doanh nghiệp cũng như hoạt động mua bán sáp nhập", Phó thủ tướng cho biết.

Viễn Thông